Nhiều trở ngại khiến người dân chưa tiếp cận được NƠXH

Chị Ngô Đài Trang, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, sau hơn 10 năm làm việc, tích góp mong muốn được mua nhà ở xã hội để an cư. Tuy nhiên, khi tìm hiểu trên mạng, chị nhận ra giá nhà ở xã hội hiện nay tại TPHCM dao động từ 20-25 triệu đồng/m², tức hơn 1 tỷ đồng/căn, vượt xa khả năng với mức lương dưới 10 triệu/tháng của chị. Giấc mơ mua nhà với giá ưu đãi, được vay vốn và an cư lâu dài chỉ còn trên lý thuyết. Nhà ở xã hội, vốn dành cho người thu nhập thấp, nay đã không còn “xã hội” như tên gọi ban đầu.
Chị Ngô Đài Trang (Phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Vì giá quá cao, tôi làm nhân viên văn phòng với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tôi phải nhịn ăn suốt 10 năm thì mới có khả năng mua được căn nhà ở xã hội trong tầm giá 1 tỷ. Đây là điều vượt xa tầm tay của tôi”.
Không chỉ giá cao, điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội cũng là một rào cản khiến nhiều người lao động thu nhập thấp không có cơ hội để sở hữu. Rất nhiều người lao động làm việc tự do, thời vụ, hoặc không có hợp đồng lao động chính thức, không chứng minh được thu nhập, không đạt được tiêu chí xét duyệt để mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, có những người có tài chính tốt lại tìm cách lách luật để sở hữu nhiều căn nhà xã hội với mục đích đầu tư hoặc cho thuê, làm sai lệch bản chất của chính sách.

Hiện nay, những khó khăn như thiếu quỹ đất dành riêng cho nhà ở xã hội, bất cập trong cơ chế chính sách, cũng như lãi suất vay mua nhà chưa phù hợp,… đã được mổ xẻ tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua. Nhiều đại biểu cho rằng, cần sớm ban hành một luật riêng về nhà ở xã hội, với các cơ chế đặc thù về giao đất, quy hoạch, ưu đãi đầu tư. Có như vậy thì các nhà đầu tư mới mạnh dạn phát triển phân khúc nhà ở này.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách phải minh bạch hoá tiêu chí xét duyệt người mua nhà, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ trục lợi. Một số ý kiến đề xuất phải có chính sách lãi suất cố định, dài hạn cho người lao động, tránh tình trạng lãi suất “thả nổi” khiến người dân rơi vào thế bí sau vài năm vay mua.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phú Đông cho biết: không ít doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhưng những ràng buộc về pháp lý, về quỹ đất, về thủ tục đầu tư… đang khiến họ e ngại. Một nghịch lý khác là nhà ở thương mại giá thấp lại dễ triển khai hơn nhà ở xã hội, vì quỹ đất và thủ tục linh hoạt hơn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công ty Thiên Phát cũng vướng nỗi lo tương tự. Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng Giám đốc công ty cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay là người thụ hưởng, tức người lao động, không thể tiếp cận vốn vay một cách hiệu quả. Ngân hàng thương mại chỉ hỗ trợ lãi suất thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó áp dụng mức lãi suất thả nổi, khiến người vay rơi vào thế rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Phát chia sẻ: “Tôi làm NƠXH tôi không cần nhu cầu vay vốn nhiều. Nhưng tôi băn khoăn làm sao để người thụ hưởng được vay lãi suất thấp, thời hạn dài thì tôi mới yên tâm”.
Theo phân tích của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, nếu không có một cơ chế mạnh từ phía Chính phủ để định hướng và hỗ trợ nhà ở xã hội thì rất khó để kỳ vọng vào sự phát triển ổn định. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở nhiều nước phát triển, nhà ở xã hội được xây dựng từ nguồn lực công, và Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, không phó mặc cho thị trường.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết: “Hầu hết các nước trên thế giới, NƠXH là trách nhiệm của Chính phủ, như vậy mới đẩy giá thành xuống để hỗ trợ cho người dân”.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 1,5 triệu người lao động cần nhà ở xã hội, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó có cơ hội tiếp cận. Phần lớn các dự án còn chậm tiến độ, vướng mắc thủ tục hoặc không triển khai được.
Với những bất cập kéo dài, nhà ở xã hội đang trở thành bài toán nan giải và càng trì hoãn việc tháo gỡ, thì người lao động càng mất cơ hội an cư. Một chính sách đúng, nhân văn, nhưng nếu tiếp tục vận hành theo cách hình thức, thiếu hiệu quả, thì giấc mơ an cư của hàng triệu người thu nhập thấp vẫn sẽ mãi chỉ là… giấc mơ.


"Giấc mơ" nhà ở xã hội đối với người thu nhập thấp vẫn còn là điều xa vời do rào cản về giá, thủ tục và điều kiện vay vốn.
Địa bàn phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) đang tồn tại 8 sân bóng trái phép trên đất nông nghiệp.
Nhiều ý kiến của người lao động đề xuất thành phố xem xét, kiến nghị điều chỉnh điều kiện về mua nhà ở xã hội cho công nhân tại Hội nghị đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính để việc cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.
Người thu nhập thấp đang gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để mua nhà ở xã hội (NƠXH), chủ yếu do mức lãi suất cho vay hiện tại vẫn còn cao so với khả năng chi trả.
Sổ hồng điện tử là cần thiết trong bối cảnh đất nước hòa nhập với thế giới số và công nghệ hiện đại.
0