Người phương xa nhớ quà Hà Nội
This is a modal window.
Nơi trời băng đất tuyết, cô cháu tôi mong mỏi dõi ánh mắt về phía cổng ra sân bay, nơi những người đi xa về nhà sau hàng tiếng đồng hồ vi vu giữa ngút ngàn mây gió. Trong suốt sáu, bảy năm du học của tôi và hai, ba chục năm định cư ở nước ngoài của cô, hạnh phúc nhất luôn là khoảnh khắc đón bà sang chơi để nỗi khắc khoải được nguôi ngoai và dạ dày được lấp đầy bởi những thức quà đượm đà vị quê hương, vị Hà Nội thương nhớ.
Lạ một điều, ta thường không ý thức được rằng, mầm mống nhớ thương đã bén rễ ngay từ khi ta còn được ấp ôm bởi những gì thân thuộc nhất. Chỉ khi cách xa nghìn trùng vạn lý, nỗi nhớ mới được khát khao dung dưỡng, leo bám vào ký ức mà sinh sôi, xum xuê tràn lan trong từng hơi thở.
Những chuyện xưa lắc bỗng chốc ùa về như sóng cả khơi xa, những người tưởng chừng đã lãng quên hóa ra lại chưa hề quên lãng, những hương vị dung dị của quê hương, của Hà Nội đã từng dửng dưng, ơ thờ, nay bỗng trở nên quý hóa và hiếm hoi, phải thèm thuồng ước ao, phải năn nỉ, nhờ vả, phải tiết kiệm, dè sẻn. Đó là thức quà mà người ở nhà đã canh đúng vụ, đúng mùa để tỉ mỉ chọn mua, rồi gửi gắm qua nghìn trùng đại dương tới tay những đứa con xa xứ.
Người ta nói "Tết đến xuân về", nhưng với tôi, xuân là khi nhang khói ngơi ngớt, sương giá tan dần, gió ấm mơn man và mâm cao cỗ đầy ba ngày Tết dần được thay thế bởi những bữa cơm nhà thanh đạm. Cái thanh đạm đầy mộc mạc rồi lại chảy xuôi thứ sức sống xa xỉ khi vạn vật phùng sinh. Mùa xuân, đất trời trở mình, ngày dài thêm và ta cũng dư thừa hứng khởi để tìm kiếm niềm thỏa mãn thuần túy từ những món ăn bình dị nhất, ra đời ngay trong căn bếp nhà, dưới bàn tay khéo léo của những nữ nội trợ đảm đang mà ta gọi bằng bà, bằng mẹ.
Băm sáu Hà Nội đã phai màu đào quất, xác pháo đầy đường ai đã vén vun, bà tôi lụi cụi lôi cái hũ sành bụng phình chẳng biết đã bao nhiêu năm tuổi ra cọ rửa. Những luống cà trong vườn nhà nông tắm gió phơi sương mà lớn tồng ngồng, nay đã rũ mình khoe chùm quả lúc lỉu. Một cân cà, một lít nước và muối, riềng, tỏi, ớt. Những quả cà pháo tròn, căng bóng, hoặc xanh nhàn nhạt, hoặc trắng nõn nà, lấp ló nén mình dưới tấm thớt gỗ nặng trịch. Tiết xuân ấm dần, chỉ cần dăm bảy ngày là hũ cà muối đã săn vỏ, vàng hươm, cắn vào giòn tan như tiếng pháo nổ, lại mằn mặn, chua chua đầy thích ý. Có cà muối, ít lạc rang, đậu rán tẩm mắm hành, cơm tẻ nóng hổi cùng bát canh cua rau dền mồng tơi xanh mướt mượt, sơn hào hải vị cũng chẳng sánh bằng.
Mùa hè đến khi dưới bầu không vời vợi, ta bắt gặp sắc đỏ hoa phượng như những đốm lửa rực rỡ, cùng màu tím mộng mơ của hoa bằng lăng đua nở. Tôi thích gọi mùa hè là mùa ngọt ngào, bởi những gì hè mang lại cho cảnh và người quả thực ngọt ngào. Không phải vị ngọt sắc lẹm của đường hóa học mà là vị ngọt rực rỡ của quả mọng nhiệt đới, của gió chiều phất qua mặt hồ đưa hương sen thoang thoảng, của mưa rào chớp nhoáng tưới tắm những chùm sấu xanh đầu cành.
Ngày hè oi ả, đôi khi chỉ thèm thuồng một thứ thức uống giản dị mà lại là đặc sản Thủ đô. Đó là món sấu ngâm chua thanh ngọt dịu, lẫn chút nhần nhận the cay rất nhẹ của gừng giã nhuyễn. Nước sấu ngâm là một trong những món khoái khẩu của cô tôi, đi xa bao năm mà mỗi bận nghe ngỗng trời quang quác gọi hè là lại nhớ ly sấu đá Hà Nội, nhớ bịch sấu dầm mắm đường vừa ăn vừa xuýt xoa, nhớ mâm cơm mùa hè miền Bắc với tôm bấy rang cháy cạnh và nước rau muống luộc dầm sấu húp một thìa mà mát tận tâm can…
Thu sang, Hà Nội trở mình thay áo mới. Mùa thu Hà Nội tiếng lành đồn xa, người ta mê mẩn không chỉ vì cảnh sắc trữ tình mà còn vì sự hiện diện của những thức quà chỉ Thủ đô mới có. Trên khắp cung đường nẻo phố, những gánh hàng rong nửa lạ nửa quen, mới đây còn sặc sỡ nào hướng dương, cẩm chướng, tú cầu…nay đã tinh khôi những sắc màu điềm đạm của loài cúc họa mi.
Dáng thu thấp thoáng trong nắng hanh và heo may, theo từng vòng quay xe đạp đãng du khắp hang cùng ngõ hẻm. Và ta nghe lẫn trong nồng nàn hoa sữa, là hương đồng gió nội ngan ngát đầy thanh tao của những bọc lá sen gói ghém thứ ngọc thực xanh non chắc mẩy. Màu xanh ấy mơn mởn, non nớt, đứng một mình đã đủ gây thương nhớ mà xào ngọt rắc chút dừa nạo, tráng cùng trứng hay trộn vào nhân chả chiên vàng óng lại càng thêm hấp dẫn. Thi thoảng nhớ về mùa thu Hà Nội, tôi không chắc liệu giữa cái se sắt vừa lãng mạn vừa ưu tư của mùa và những thức thời trân thơm thảo, đâu mới là điều khiến mình bâng khuâng nhung nhớ hơn?
Hà Nội mùa đông ướt lạnh, đến nỗi người ta cứ phải tìm cách tô màu nóng lên vẻ hoang lương quạnh quẽ bằng những bếp hồng bập bùng hơi ấm. Chỉ ngũ cốc hoa màu tầm thường, dưới bàn tay chao, lật, chiên, nướng thoăn thoắt của cô hàng và cái vuốt ve nhiệt tình của lửa than, những thức quà đường phố nóng hổi đã họa nên nét đặc sắc của đêm đông Thủ đô.
Mùa đông ngày ngắn đêm dài, tự chiêu đãi mình một chầu ốc luộc thơm lừng chanh sả rồi tráng miệng với miếng bánh ngô, củ khoai nướng hay túi hạt dẻ rang đường, rồi vừa dạo bước vừa nhâm nhi, chợt thấy thời gian trôi qua nhanh quá. Chớp mắt, mùa đi ngang phố, ta cũng đã đi xa khi chưa kịp lưu trữ thật nhiều kỷ niệm đẹp về mùa đông Hà Nội.
Hà Nội mùa nào thức nấy, mỗi bận đất trời chuyển mình đều dâng tặng cho người đi, kẻ ở những món ngon đặc sắc, chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ khiến "con sâu thèm trong bụng" ứa nước miếng mà tru tréo, réo gọi. Bây giờ giao thương tiện lợi, nơi xứ người cũng nhan nhản đặc sản quê hương, hiềm nỗi thiếu sự chính tông và thân thuộc đã hằn sau vào trí nhớ. Có lẽ vì vậy mà trong suốt những năm tháng bôn ba tha phương, mỗi lần được khui mở hộp giấy, thùng xốp đựng quà quê, tôi đều háo hức như đứa trẻ được đón sinh nhật. Mỗi lớp ni lông, băng dính được bóc ra là từng tầng tuế nguyệt phủ mờ ký ức được rũ bỏ, để lộ hoài niệm đong đầy về những ngày xưa và dấy lên niềm khát khao càng thêm mãnh liệt đối với hai chữ quê nhà.
Cô tôi đã nhanh nhẹn ngả từng thức quà bà mang sang, nào cà pháo tươi kèm gói riềng giã nhuyễn để cô cháu tự muối ăn, nào sấu bánh tẻ đông đá, bó rau bí bà phải bọc mấy tầng báo để giữ tươi, một túi đầy riêu cua và thịt gấc bà lọc và xay sẵn được hút chân không chắc chắn, rồi cốm, hạt sen khô, chục miếng chả rươi đã chiên qua, lại có cả chè lam, bánh chả, ô mai…
Bà tôi cười bảo, thế này chắc đủ cho cô cháu nhẩn nha vài tháng. Cô và tôi nhìn nhau lắc đầu. Hành lý ký gửi vỏn vẹn vài chục cân, chứa làm sao hết của ngon vật lạ đất kinh kỳ cùng xiết bao hồi ức lẫn nỗi niềm người con xa quê?
Thùy Linh
Việt Nam - Sri Lanka thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực; Học sinh Hà Nội lên đường tranh tài tại Mỹ; Đức thành lập chính phủ liên minh mới... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 23h00 hôm nay.
Việc mỗi cá nhân nhận thức rõ việc tuân thủ luật pháp giao thông không chỉ bảo vệ chính mình mà còn góp phần xây dựng một xã hội an toàn văn minh, góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Do đó, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng nhằm tăng tính răn đe.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tuần qua đã bất ngờ tuyên bố sẽ rút khỏi vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình Nga - Ukraine. Vậy điều gì đứng sau sự thay đổi có phần đột ngột nhưng cũng không quá bất ngờ này của chính quyền Trump?
Hà Nội khởi tố cán bộ xã nhận hối lộ; Khởi tố vụ án xả thải gây ô nhiễm môi trường; Xử phạt trường hợp đăng nội dung chưa được kiểm chứng... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng tôn vinh phim Việt Nam về chiến tranh; "Huyền tình Dạ Trạch" thử vai tại TP.HCM; Lý Hải – Victor Vũ: Cuộc đua doanh thu trăm tỷ; Xử phạt BTV Quang Minh và MC Vân Hugo vì vi phạm quảng cáo... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.
Ở Hà Nội có những con phố cổ đã tồn tại hàng trăm năm. Đó không chỉ là nơi đi lại, là nơi buôn bán, mà còn trở thành một phần máu thịt của người Hà Nội. Những con phố ấy chở nặng nhịp sống bình dị, cần mẫn và những ký ức thầm thì cùng tháng năm…
0