Người giữ lửa dòng tranh Tết Kim Hoàng
Nhắc đến tranh Tết, người ta thường nghĩ ngay đến dòng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Tuy nhiên, ít ai biết rằng làng Kim Hoàng cũng là nơi gắn liền với một dòng tranh dân gian nổi tiếng xứ Kinh Kỳ xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó chính là dòng tranh đỏ Kim Hoàng.
Tranh Đỏ Kim Hoàng - dòng tranh thất truyền từ lâu, tưởng chừng như chỉ có trong ký ức của người dân thuộc thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức Hà Nội. Thế nhưng có một nghệ nhân đã quyết tâm gìn giữ, phát triển và làm hồi sinh dòng tranh đỏ dân gian này sau hơn 7 thập kỷ dòng tranh này bị thất truyền.
Nghệ nhân Đào Đình Chung chia sẻ: “Ngày xưa, mỗi dịp Tết, tranh Kim Hoàng thường được treo ở cửa. Tranh gà biểu tượng cho thần kê trấn yểm, mang lại may mắn, xua đuổi tà ma; còn tranh lợn tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy trong gia đình. Mỗi bức tranh là lời cầu chúc cho một năm mới may mắn và hạnh phúc.”
Tranh Kim Hoàng được sáng tạo dành cho giới bình dân, thường mô tả những hình ảnh quen thuộc như gà, lợn, ngựa, ông Tiến Tài - Tiến Lộc. Năm nay, theo chủ đề con giáp, nghệ nhân Đào Đình Chung đã vẽ tay bức tranh rắn, thổi hồn xưa kết hợp nét hiện đại vào mỗi tác phẩm, mang đến sự tươi mới và độc đáo.
Những sản phẩm tranh Kim Hoàng không chỉ giữ được nét truyền thống mà còn chạm đến ký ức của người lớn tuổi, những người dân gắn bó với làng Kim Hoàng như bà Nguyễn Thị Cải và bà Nguyễn Thị Tơ.
Bà Nguyễn Thị Cải (thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) cho biết, bản thân đến mua tranh để về thắp hương, trang trí Tết. Còn trong ký ức của bà Nguyễn Thị Tơ, bà từng nghe kể về tranh Kim Hoàng từ khi 15 tuổi, nhưng mãi đến gần đây mới được chứng kiến dòng tranh này được khôi phục.
“Năm tôi 15 tuổi, các cụ kể nhưng không thấy tranh Kim Hoàng đâu. Gần chục năm nay mới thấy khôi phục lại. Tôi sung sướng lắm, tranh rất đẹp, nhất là tranh gà và tranh rắn, tôi mê và yêu thích vô cùng”, bà Nguyễn Thị Tơ xúc động.
Tranh Kim Hoàng được chế tác bằng cách in nét đen từ bản khắc gỗ, sau đó nghệ nhân tự do phối màu theo cảm xúc cá nhân. Riêng bức tranh rắn, nghệ nhân Đào Đình Chung vẽ hoàn toàn bằng tay, tạo nên phong thái riêng biệt, đầy phóng khoáng và tài hoa.
Nghệ nhân Đào Đình Chung chia sẻ thêm: “Tôi bận từ tháng 8 đến tháng Chạp để chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Để tranh Kim Hoàng không mai một như trước đây, rất cần sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ kế cận”.
Tâm huyết với dòng tranh quý, nghệ nhân Đào Đình Chung luôn mong muốn sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp tranh Kim Hoàng hồi sinh, khôi phục lại thời kỳ hưng thịnh, giữ vững giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng Kim Hoàng.


Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đá tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tối 19/4.
Đến thăm làng nghề gốm Bát Tràng, du khách được chứng kiến sự tài hoa của người thợ và tìm hiểu lịch sử của làng nghề truyền thống qua những di tích lịch sử, với nhiều họa tiết bằng chất liệu gốm sứ độc đáo.
Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề đặc biệt ý nghĩa: "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào" vào sáng nay 19/4.
Chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc giới thiệu về các làng nghề truyền thống sẽ diễn ra từ ngày 18/4 đến 1/6 tại khu vực phố cổ Hà Nội.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, là dịp để tôn vinh giá trị của sách.
Chương trình “Gặp gỡ mùa xuân” tại Bảo tàng Hà Nội đã mang đến không gian trải nghiệm đặc sắc cho công chúng với các hoạt động giao lưu cùng các nghệ nhân Việt Nam - Nhật Bản.
0