Người dân thích nghi với những thay đổi về hành chính

Người dân chủ động tìm hiểu và thích nghi với mô hình chính quyền hai cấp như cập nhật các địa điểm thực hiện các thủ tục hành chính, tìm hiểu các app dịch vụ công như VNeID, VssID...

Biển hiệu đổi tên, nhịp phố chuyển mình

Sau sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính kéo theo làn sóng làm lại biển hiệu cửa hàng, thể hiện sự chuyển động sống động của chính quyền, doanh nghiệp, người dân.

Chị Ngô Diệu Linh chủ cửa hàng chuyên làm biển quảng cáo Đông Phong nằm trên phố Nguyễn Thái Học, phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang hoàn thành công đoạn cuối cùng để in lại những chiếc biển hiệu của gia đình.

Chị Linh chia sẻ: "Vì có nhiều thay đổi nên chúng tôi cũng phải nhanh chóng để chỉnh sửa lại cho nó phù hợp với cả địa danh của mình hiện tại. Nửa tháng trở lại đây, các đơn đặt hàng của tôi cũng gần như kín vì nhiều người cũng chỉnh sửa lại hết tất cả các biển hiệu."

Những biển hiệu thay mới không thay đổi tên cửa hàng, không thay đổi về địa chỉ mà thay đổi duy nhất là phường. Không chỉ ở trụ sở UBND phường, làn sóng đổi tên sau sáp nhập còn hiện rõ trên từng tấm biển hiệu. Từ tiệm tóc đến quán cà phê, trên các con phố nhiều địa chỉ bỗng… hơi khác một chút. Tên phường mới, địa chỉ mới nhưng cái hồn Hà Nội vẫn thế: luôn vận động, luôn tươi mới từ chính những tấm biển nơi mặt phố.

Thông tin đến với người dân ở cơ sở

Chính quyền gần dân không chỉ nằm ở việc tinh gọn bộ máy mà quan trọng hơn là làm sao để thông tin của chính quyền có thể “chạm” tới người dân, ở mọi lứa tuổi, hoàn cảnh, điều kiện tiếp cận. Vì cũng còn những người, đặc biệt là người cao tuổi, giữ thói quen nghe đài, nghe loa phát thanh thay vì sử dụng điện thoại thông minh. Và nhờ đó, những điều tưởng như phức tạp như thay đổi địa giới, hay tổ chức bộ máy lại trở nên dễ hiểu, gần gũi hơn rất nhiều nhờ vào hệ thống loa phát thanh.

Thông qua hệ thống hơn 200 cụm loa, các thông tin về mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động ở xã Đông Anh nói riêng, trên toàn thành phố Hà Nội và cả nước nói chung đều được các cán bộ, công chức của Trung tâm chuyển tải đến người dân đều đặn.

Các cụm loa là một trong số nhiều phương thức tuyên truyền mà xã Đông Anh áp dụng để gửi tới người dân các thông tin quan trọng về chính quyền địa phương hai cấp. Có tổng cộng 224 cụm loa được lắp đặt tại 72 thôn, làng tổ dân phố. 

Mỗi ngày, các cán bộ, người lao động của Trung tâm cập nhật và phát 3 bản tin, mỗi bản 30 phút vào 6h30 sáng, 11h30 trưa và 5h30 chiều. 

Riêng trong thời điểm trước, trong và sau khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bản tin trưa được kéo dài thêm một chút để đưa được nhiều thông tin hơn tới nhân dân trên địa bàn. 

Chủ động cập nhật những điểm mới về hành chính

Ngay khi có các thông tin từ các cấp về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, công việc của bà Bùi Ngọc Dung, tổ dân phố số 3 phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm trước đây, nay là tổ dân phố số 3 phường Cửa Nam trở nên bận rộn hơn với việc cập nhật thông tin để thông báo kịp thời tới bà con nhân dân qua các nhóm trên mạng xã hội. 

Những thông tin hữu ích như thay đổi về địa điểm, chức năng nhiệm vụ, đầu mối dành cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục đều được bà cập nhật liên tục và kịp thời trên hội nhóm tổ dân phố và trang fanpage Người Hoàn Kiếm, giúp người dân cảm thấy yên tâm hơn khi cần làm các thủ tục, giấy tờ.

Bà Dung chia sẻ: "Trước đây có bất cứ việc gì lại phải đi từng nhà. Bây giờ ví dụ có giấy mời họp chẳng hạn thì chúng tôi chỉ cần đưa một giấy mời lên nhóm và thông báo là bà con được biết rồi."

Các cô các bác vẫn khá thành thạo khi sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật tin tức và các chính sách mới. Có lúc hỏi các con cháu để có thể tra cứu chỉ dẫn hành chính mới một cách dễ dàng, thuận lợi chỉ bằng quét mã QR.

Chính vì cập nhật các thông tin thường xuyên, nên khi người dân đi làm các thủ tục hành chính, đều đến ngay được địa chỉ mới, theo mô hình chính quyền hai cấp. Thời gian làm các thủ tục cũng nhanh gọn hơn.

Ngay sau khi việc sáp nhập đơn vị hành chính trên cả nước hoàn tất, ứng dụng định danh điện tử VNeID cũng đã cập nhật lại thông tin cá nhân của từng công dân. Như về địa chỉ, quê quán sau khi sáp nhập, thay đổi. Thay vì hiển thị thông tin theo cấu trúc xã/phường, huyện/thành phố, tỉnh/thành phố như cũ, địa chỉ được chỉnh sửa theo quy chuẩn mới.

Khi sáp nhập đơn vị hành chính, điều người dân băn khoăn là việc giải quyết vấn đề, thủ tục giấy tờ, chi trả lương hưu có phức tạp hơn trước không? BHXH cho biết, đơn vị này vẫn đảm bảo các điểm chi trả lương và trợ cấp BHXH, nên người dân hoàn toàn yên tâm.  

Tại nhiều khu dân cư, tổ dân phố, các mô hình tuyên truyền, hướng dẫn người dân thích nghi với chính quyền hai cấp cũng đang được triển khai rất hiệu quả. Có nơi thì in tờ rơi, có nơi thành lập nhóm hỗ trợ online, có nơi lại tổ chức những buổi sinh hoạt cộng đồng. Tất cả đều nhằm giúp người dân không đứng ngoài cuộc đổi mới, mà trở thành người đồng hành chủ động trong tiến trình này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời