Nghỉ hưu trước tuổi được hưởng ba khoản trợ cấp

Bộ Nội vụ cho biết, người nghỉ hưu trước tuổi được hưởng 3 khoản trợ cấp gồm: trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm, trợ cấp cho số năm nghỉ sớm và trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang trong sắp xếp bộ máy, trong đó có sửa đổi phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách, chế độ; chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy. Căn cứ các nội dung sửa đổi, Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách, chế độ.

Thay đổi cách tính tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ khi nghỉ việc

Trước đây, đối với người hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ khi nghỉ việc gồm: mức tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và các khoản tiền phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, nếu có). Cụ thể, tiền lương tháng hiện hưởng = (hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp  x mức lương cơ sở) + (hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x mức lương cơ sở) + mức tiền các khoản phụ cấp tính theo lương ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp (nếu có).

Nay theo Thông tư 002/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ, tiền lương tháng hiện hưởng bao gồm: mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và các khoản tiền phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang) và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.

Cụ thể, tiền lương tháng hiện hưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động = (hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp  x mức lương cơ sở) + (hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x mức lương cơ sở) + mức tiền các khoản phụ cấp tính theo lương ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Tiền lương tháng hiện hưởng đối với người làm công tác cơ yếu = (Hệ số lương theo cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng x mức lương cơ sở) + (hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x mức lương cơ sở) + mức tiền các khoản phụ cấp tính cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Mức lương cơ sở để tính tiền lương tháng hiện hưởng nêu trên là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm tháng trước liền kề tháng nghỉ việc.

Ảnh minh hoạ.

Ba khoản trợ cấp cho người nghỉ trước tuổi

Theo Bộ Nội vụ, cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm g khoản 1 và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 2 và người làm việc trong tổ chức cơ yếu (không bao gồm đối tượng thuộc trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tại Điều 22 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP) quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I hoặc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, thì được hưởng ngay lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Đồng thời, được hưởng trợ cấp hưu trí một lần; trợ cấp theo số năm nghỉ sớm và trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 7, Điều 7a và Điều 7b Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, được hưởng 3 khoản trợ cấp gồm: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm, trợ cấp cho số năm nghỉ sớm và trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đối với người nghỉ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên, mức trợ cấp hưu trí một lần = tiền lương tháng hiện hưởng (theo cách tính trên) x 1,0 x số tháng nghỉ sớm quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

Đối với người nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi, mức trợ cấp hưu trí một lần = tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x số tháng nghỉ sớm quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2025/TT-BNV.

Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng), người hưởng được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng. Công thức tính mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm = tiền lương tháng hiện hưởng x 05 x số năm nghỉ sớm quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 01/2025/TT-BNV.

Về trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Bộ Nội vụ, đối với những người nghỉ trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành (trừ nữ cán bộ, công chức cấp xã) thì mức trợ cấp được tính như sau: 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tiền lương tháng hiện hưởng x (05 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + (0,5 x số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi)).

Đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã nghỉ từ ngày 01/01/2025 trở đi và những người nghỉ từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành thì mức trợ cấp được tính như sau: 15 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 16 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tiền lương tháng hiện hưởng x (04 (đối với 15 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + (0,5 x số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 16 trở đi).

Theo TTXVN

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 19/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố để thực hiện lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp.

Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm các biện pháp PCCC, nếu cơ sở nào chưa hoặc chậm trễ trong khắc phục tồn tại sẽ phải gắn biển nhà trọ không đảm bảo an toàn PCCC, đối mặt với những biện pháp xử lý cứng rắn, thậm chí là tạm dừng hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi kiểm tra vận hành Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào ngày 19/4; dự Lễ công bố và thực hiện nghi thức triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải thực hiện tinh thần “năm nhất”: chuẩn bị kỹ lưỡng nhất; tinh thần tốt nhất; động tác đẹp nhất; hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả nhất; bảo đảm hậu cần chu đáo nhất.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn đối tượng là chủ bốn cơ sở sản xuất giá đỗ về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Lực lượng CSGT sẽ triển khai phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.