Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh - người giữ lửa thiêng di sản
Hà Nội - trái tim của đất nước, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nghìn năm, nơi những giá trị truyền thống vẫn bền bỉ tồn tại giữa sự đổi thay không ngừng của thời đại. Nơi đây, từng con phố, từng mái đền, từng nếp đình vẫn thấp thoáng bóng dáng của những nghi lễ cổ xưa, của những tiếng hát chầu văn réo rắt, của những lớp người trọn đời tận tụy với tín ngưỡng dân tộc.
Tín ngưỡng thờ Mẫu - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là cội rễ tâm linh ăn sâu vào đời sống của mỗi người con đất Việt. Trải qua bao thế hệ, tín ngưỡng ấy vẫn hiện diện, vẫn được thực hành trong những không gian linh thiêng của đền, phủ.
Nhưng giữa guồng quay gấp gáp của thời đại, giữa những biến động của xã hội, liệu có còn ai đủ kiên định để gìn giữ những nghi thức thiêng liêng ấy theo đúng phép tắc cổ truyền? Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh chính là người đã dành cả đời mình để bảo vệ, truyền dạy và giữ lửa cho tín ngưỡng thờ Mẫu giữa lòng Hà Nội, để những giá trị tinh thần ngàn đời vẫn vững bền trước sóng gió thời gian.
Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh hiện đang là thủ nhang Hồng Ân Linh Từ (số 1 phố Trạm, tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) và thủ nhang một ngôi đền của dân Thượng Hội Linh Từ (tổ 12, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).
Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh chia sẻ: "Mình kế thừa lĩnh thụ được kiến thức của các cụ, bây giờ trao truyền cho các đệ, cũng nói cho các đệ nghi thức vào nhập đạo thì như thế nào? Hầu hạ việc vua việc mẫu, phép tắc hầu hạ đồng bóng như thế nào? Các đệ tử có căn, có duyên với việc thánh thì trình đồng mở phủ và cũng được dạy lề lối uốn nắn trong việc đồng bóng. Sau đó, các đệ có cơ duyên làm thầy thì lại trình đồng mở phủ cho các đệ tử. "

Thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng, mà còn là sự kết tinh của văn hóa, lịch sử và tâm linh. Người bước chân vào con đường hầu thánh không chỉ đơn thuần là người thực hành nghi lễ, mà còn là người nối tiếp dòng chảy thiêng liêng của một di sản dân tộc. Nhưng con đường ấy chưa bao giờ dễ dàng.
Muốn hầu thánh, phải học phép tắc. Muốn trình đồng mở phủ, phải hiểu lễ nghi. Những quy tắc truyền đời không phải là những giáo điều cứng nhắc mà là sợi dây kết nối giữa con người với thế giới tâm linh, giữa đời thực và cõi thiêng, giữa lòng thành kính và sự ban phước. Và chính những người như nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh là nhịp cầu nối để truyền lại những nguyên tắc ấy, để tín ngưỡng không bị mai một, để sự linh thiêng không bị pha loãng theo thời gian.
Hà Nội - vùng đất của những quy chuẩn nghiêm cẩn trong tín ngưỡng. Nếu như ở nhiều nơi, việc hầu thánh có thể biến tấu theo phong tục địa phương, thì ở Hà Nội, mọi nghi thức vẫn tuân theo một trình tự chặt chẽ, thể hiện sự trang nghiêm và tôn kính đối với các đấng linh thiêng.
Từ Tam Tòa Thánh Mẫu, đến Ngũ Vị Tôn Ông, từ Chầu Bà đến Thánh Cô, Thánh Cậu - từng giá hầu đều có thứ tự rõ ràng, không thể đảo lộn. Đây không chỉ là quy chuẩn, mà còn là sự khẳng định về tính nguyên bản của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Nội - một nét tinh hoa giữa lòng đất kinh kỳ.
Thờ Mẫu không đơn thuần là một hình thức tín ngưỡng, mà còn là sự kết tinh của nền văn hóa dân gian. Đây là một trong số ít những tín ngưỡng nội sinh của người Việt, không chịu ảnh hưởng từ các tôn giáo ngoại lai. Từ lâu, người Việt đã có thói quen thờ phụng những vị thần linh có công với đất nước, trong đó, hình tượng "Mẫu" được tôn vinh như người mẹ của muôn dân, che chở, ban phước và bảo vệ con cháu.
Chính bởi vậy, không giống như Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay các tôn giáo phổ biến khác trên thế giới, tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ có ở Việt Nam, là một di sản mang tính bản địa sâu sắc, gắn liền với lịch sử, văn hóa và tâm hồn của người Việt. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là một minh chứng rõ ràng cho bản sắc riêng biệt của nền văn minh Đại Việt.
Hiện nay, bên cạnh các nghi lễ truyền thống diễn ra trong không gian đền, phủ, còn xuất hiện một hình thức khác: diễn xướng hầu đồng. Đây không phải là nghi lễ mang tính chất thờ cúng, mà là một cách tái hiện những giá đồng trên sân khấu, giúp công chúng hiểu hơn về loại hình nghệ thuật tâm linh này.
Diễn xướng hầu đồng mang tính chất trình diễn, nơi người hầu nhập vai các vị thánh, mô phỏng lại động tác và điệu múa theo hình tượng tâm linh. Đó có thể là hình ảnh uy nghi của Quan Lớn, nét duyên dáng của Chầu Bà, hay sự tinh nghịch của Thánh Cậu. Nhưng dẫu có gần gũi với nghi lễ đến đâu, diễn xướng cũng không thể thay thế được thực hành tín ngưỡng. Bởi lẽ, hầu thánh thực sự không đơn thuần là một màn biểu diễn, mà còn là sự giáng ngự của thần linh, là sợi dây kết nối giữa con người với thế giới vô hình.
"Thực hành tín ngưỡng là nhất định phải ở trong đền, đây là một nét văn hóa đặc trưng, có linh hồn của các vị thần linh, có các đấng thần linh giáng nhập vào thanh đồng. Còn việc diễn xướng chỉ mang tính chất như người văn công thôi. Diễn lại tích của một vị, một giá đồng hay của một vị thánh. Cho nên diễn xướng và thực hành tín ngưỡng hoàn toàn khác nhau. Tất cả các nghi lễ thì đều phải ở không gian thờ cúng. Còn việc diễn xướng chỉ là mang tính chất hầu vui thì đem ra sân khấu, làm duyên thì đem ra chỗ diễn xướng để dễ truyền tải. Còn những buổi nghi lễ không thể đem ra chỗ diễn xướng được. Ví dụ, lễ trình đồng mở phủ, lễ tôn nhang bản mệnh hoặc những lễ của Tứ phủ thì không thể đem ra không gian diễn xướng mà làm được." - nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh cho biết thêm.

Nhưng giữ gìn tín ngưỡng không chỉ là việc thực hành nghi lễ, mà còn là gìn giữ những giá trị cốt lõi của nó. Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng của lòng nhân từ, của sự che chở, bao dung, nơi con người tìm đến không phải để sợ hãi mà để gửi gắm niềm tin, mong cầu an yên.
Thế nhưng, khi tín ngưỡng bị thương mại hóa, khi những kẻ lợi dụng tôn giáo để trục lợi, khi những nghi lễ bị biến tướng trở thành trò phô diễn hình thức, thì những giá trị linh thiêng ấy cũng dần phai nhạt. Và đó chính là điều mà những người như nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh lo lắng, trăn trở từng ngày.
"Tôi cũng mong ước Nhà nước sẽ có các chính sách mang tính chất siết chặt hơn trong khâu công tác quản lý, làm sao để cho những người thực hành tín ngưỡng là phải những người đúng, có căn, có duyên với tín ngưỡng và hiểu biết về tín ngưỡng thì mới được tham gia, chứ không phải theo tính chất xô bồ. Chúng tôi mong Nhà nước có sự quản lý để việc thực hành tín ngưỡng mang tính chất hiệu quả hơn."
Thời gian có thể làm mờ đi những vết chân người xưa, nhưng không thể xóa nhòa những giá trị tâm linh đã ăn sâu vào máu thịt dân tộc. Hà Nội - nơi những mái đền, mái phủ vẫn vững chãi qua bao thế hệ, nơi mà những người như nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh vẫn ngày ngày nhen nhóm ngọn lửa linh thiêng, truyền dạy những giá trị nguyên bản của đạo Mẫu cho thế hệ sau. Bởi giữ tín ngưỡng không chỉ là giữ một nghi lễ, mà là giữ cả một bản sắc, một hồn thiêng của dân tộc.


Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.
Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
Mỗi năm, cứ đến tháng Tư, Hà Nội lại đón mùa hoa loa kèn như một lời nhắc rằng, dù cuộc sống có đổi thay, vẫn có những điều giản dị mà đẹp đẽ sẽ quay trở lại.
Trên khu vực phố cổ Hà Nội, hầu như các nhà mặt đường đều là các cửa hàng, cửa hiệu phục vụ khách du lịch trong và nước ngoài, trong đó nhiều cửa hàng luôn luôn đông khách, đắt hàng.
Bún thang không chỉ là một món ăn, mà đó còn là một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực, từ những nguyên liệu quen thuộc, người Hà Nội đã tạo nên một hương vị đặc trưng, thanh tao mà đậm đà.
Công việc bận rộn của những người làm sự kiện, thi công sân khấu đã góp phần làm cho nhịp sống ở Thủ đô thêm phần sôi động hơn.
0