Nét xuân xưa tại phố cổ Hà Nội

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, khu phố cổ Hà Nội là điểm đến ý nghĩa của nhiều người Hà Nội và du khách để tìm hiểu về những nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Không quá rực rỡ, ồn ào, những không gian văn hoá tại khu phố cổ mang đến nhiều cảm xúc cho những người yêu văn hóa.

Tết Việt - Tết Phố là hoạt động được công chúng mong chờ nhất ở khu phố cổ Hà Nội mỗi dịp đón xuân, đánh dấu sự bắt đầu của chuỗi các hoạt động mang đậm màu sắc Tết truyền thống.

Đây là một cơ hội tuyệt vời để người dân Hà Nội, du khách và kiều bào cùng hòa mình vào không khí Tết cổ truyền, đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc.

Hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ Nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt, chia sẻ: "Đã nhiều năm tổ chức, Tết Việt - Tết phố ngày càng mở rộng đối tượng, chúng tôi không tái hiện hoàn toàn nét cổ truyền, mà cố gắng tổ chức các hoạt động sao cho gần với truyền thống nhất."

Qua 5 năm tổ chức, Tết Việt - Tết Phố 2025 vẫn giữ được những nét chính như màn rước lễ, thực hiện nghi lễ dâng cúng Thành Hoàng, dựng cây nêu đón Tết. Những hoạt động đặc sắc và ý nghĩa này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng một không gian Tết đậm đà hương vị quê hương.

TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Huế chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần tham dự Tết Việt - Tết phố cùng CLB Đình làng Việt, mỗi năm lại có một cảm xúc riêng để đón Tết tại Thủ đô, những hoạt động như thế này đưa văn hoá đến với cộng đồng."

Đặc biệt, không gian tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) đã được trang trí và sắp đặt thành không gian Tết cổ truyền, giúp du khách có thể trải nghiệm không khí Tết Hà Nội xưa. Bên cạnh đó, những triển lãm hội họa, thư pháp Việt, tranh lụa, sơn mài giúp các nghệ sĩ và người dân có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và yêu mến văn hóa truyền thống.

Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong dịp Tết Ất Tỵ là các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống được tổ chức tại nhiều địa điểm trong khu vực phố cổ Hà Nội, tạo nên không khí đón Tết đầm ấm.

Có thể nói sau 20 năm được xếp hạng di tích quốc gia, khu phố cổ Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới, trở thành nơi giao thoa giữa di sản và cuộc sống hiện đại. Tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hoá đón xuân là dịp để cộng đồng và du khách thêm hiểu và thêm yêu văn hóa truyền thống, để từ đó chung tay bảo tồn và bồi đắp, làm giàu thêm các di sản của cha ông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đá tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tối 19/4.

Đến thăm làng nghề gốm Bát Tràng, du khách được chứng kiến sự tài hoa của người thợ và tìm hiểu lịch sử của làng nghề truyền thống qua những di tích lịch sử, với nhiều họa tiết bằng chất liệu gốm sứ độc đáo.

Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề đặc biệt ý nghĩa: "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào" vào sáng nay 19/4.

Chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc giới thiệu về các làng nghề truyền thống sẽ diễn ra từ ngày 18/4 đến 1/6 tại khu vực phố cổ Hà Nội.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, là dịp để tôn vinh giá trị của sách.

Chương trình “Gặp gỡ mùa xuân” tại Bảo tàng Hà Nội đã mang đến không gian trải nghiệm đặc sắc cho công chúng với các hoạt động giao lưu cùng các nghệ nhân Việt Nam - Nhật Bản.