Mưa lũ ở Nghệ An: 3 người chết, hơn 3.200 nhà bị ngập

Tính tới chiều 23/7, mưa lũ sau bão số 3 tại Nghệ An đã làm 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương và hơn 3.200 nhà dân bị ngập sâu.

Chiều 23/7, trong cuộc họp khẩn của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, những con số thiệt hại ban đầu do trận mưa lũ lịch sử sau bão số 3 (bão Wipha) đã được công bố chính thức.

Thống kê thiệt hại tính đến thời điểm hiện tại

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ ngày 21-22/7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa rất to (phổ biến từ 100-250mm), gây ra lũ lớn, ngập lụt và sạt lở đất trên diện rộng.

Theo báo cáo sơ bộ tại cuộc họp, thảm họa thiên tai đã gây ra những tổn thất vô cùng lớn. Tính tới chiều 23/7, toàn tỉnh Nghệ An đã có 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương. Đặc biệt có tới hơn 3.200 ngôi nhà của người dân bị ngập sâu trong nước lũ.

Trước đó, tỉnh Nghệ An đã khẩn trương huy động mọi lực lượng di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi an toàn. Công tác vận hành liên hồ chứa, bao gồm cả Thủy điện Bản Vẽ, được thực hiện đúng quy trình, góp phần quan trọng trong việc cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du.

Hàng loạt xã, bản bị cô lập hoàn toàn

Tính đến trưa ngày 23/7, tình hình tại các huyện miền núi vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều xã, thôn, bản vẫn đang trong tình trạng bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn. Điển hình tại huyện Tương Dương có tới 21 thôn, bản chưa thể tiếp cận; xã Tam Quang có 29 hộ và hàng trăm hộ dân khác tại các xã Châu Khê, Hữu Khuông, Keng Đu, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Bắc Lý... cũng đang bị cô lập.

Đài PTTH Hà Nội

Nhiều khu vực vẫn đang ngập sâu trong nước. Ảnh: Đình Tuân - Báo & Phát thanh Truyền hình Nghệ An.

Ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân

Chủ trì cuộc họp khẩn của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An vào chiều 23/7, ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải hành động quyết liệt, khẩn trương với ưu tiên cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, tiếp cận các vùng bị cô lập để cung cấp nhu yếu phẩm và sẵn sàng các phương án khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Các chỉ đạo khẩn cấp bao gồm: 

• Tổ chức trực ban 24/24 giờ, có phương án khắc phục ở mức cao nhất theo phương châm "bốn tại chỗ".

• Tiếp tục rà soát các khu vực nguy hiểm (ven sông, suối, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở) để sơ tán người dân, trong trường hợp cần thiết tiến hành cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

• Bằng mọi cách tiếp cận các khu vực đang bị cô lập, chia cắt để cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu (lương thực, nước uống) cho người dân.

• Chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng ngay sau khi nước rút để phòng ngừa dịch bệnh.

• Chỉ đạo các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành xả lũ, phải thông báo kịp thời cho chính quyền và người dân vùng hạ du.

Đài PTTH Hà Nội

Nhiều xe máy của người dân xã Tương Dương ngập chìm trong nước. Ảnh: Trần Dũng - Báo & Phát thanh Truyền hình Nghệ An.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời