Tổng thống Nga - Pháp điện đàm
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo thông báo từ Điện Kremlin hôm thứ Ba.
Đây là lần liên lạc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 9/2022. Cuộc trao đổi tập trung vào tình hình Trung Đông và xung đột tại Ukraine. Trong cuộc gọi, ông Putin cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là “hệ lụy trực tiếp từ chính sách của các nước phương Tây, vốn trong nhiều năm đã phớt lờ lợi ích an ninh của Nga” và thiết lập một “bàn đạp chống Nga” tại Ukraine.
Tổng thống Nga tái khẳng định lập trường của Moscow rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải “toàn diện và lâu dài, giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng Ukraine và dựa trên các thực tế lãnh thổ mới”.
Về tình hình Trung Đông, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về xung đột gần đây giữa Israel và Iran, đồng thời nhất trí rằng con đường phía trước phải là ngoại giao. Điện Kremlin cho biết, hai bên sẽ duy trì liên lạc để “có thể phối hợp lập trường”.
Cả hai nhà lãnh đạo khẳng định trách nhiệm đặc biệt của Nga và Pháp trong việc duy trì hòa bình, an ninh toàn cầu và bảo vệ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Putin và ông Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran, cũng như việc Iran tiếp tục tuân thủ nghĩa vụ theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân và hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Pháp là một trong những nước ủng hộ chủ chốt của Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát. Theo dữ liệu từ Viện Kiel, Paris đã cung cấp hơn 3,7 tỷ euro (tương đương 4,1 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine từ tháng 2/2022.
Tổng thống Macron từng nhiều lần đề xuất khả năng triển khai binh sĩ Pháp đến Ukraine. Dù đề xuất này chưa trở thành hiện thực, nhưng Pháp khẳng định có thể điều quân đến đây sau khi kết thúc chiến tranh nhằm răn đe Nga. Moscow nhiều lần cảnh báo sự hiện diện của lực lượng phương Tây tại Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh toàn diện giữa Nga và NATO.
Trong thời gian gần đây, lập trường của ông Macron có dấu hiệu dịu lại. Hồi tháng 5, ông thừa nhận Pháp đã làm “tối đa những gì có thể” và không còn khả năng tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuần trước, ông Macron cho biết các nước châu Âu thành viên NATO không mong muốn “vũ trang vô thời hạn” và cần ngay lập tức tính đến việc khôi phục đối thoại với Nga để đàm phán về an ninh châu Âu trong khuôn khổ một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.