Khó khăn khi tuyển dụng nhân tài từ khối tư nhân

“Muốn lấy một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc lấy một nhà khoa học ở viện nghiên cứu của tư nhân về để giúp cho Nhà nước trong các lĩnh vực mà họ giỏi nhưng không thể thực hiện được vì vướng luật” – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nêu khó khăn này tại phiên họp tổ chiều 7/5.

Chiều 7/5, Quốc hội thảo luật ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Cùng tham gia họp tổ Hà Nội, có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu tại tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định đây là cơ hội gần nhất, sớm nhất để chúng ta có thể khơi thông sự giao thoa, chuyển đổi lao động giữa khối Nhà nước và phần còn lại, nếu không làm được lần này thì có thể còn rất lâu nữa mới làm được. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định hiện nay, người 45 tuổi không vào công chức được.

“Muốn lấy một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc lấy một nhà khoa học ở viện nghiên cứu của tư nhân về để giúp cho Nhà nước các lĩnh vực mà họ giỏi nhưng không thể thực hiện được vì vướng luật”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Ngược lại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, có những lao động Nhà nước ra ngoài làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân lại rất tốt vì những người này đã hiểu cơ quan Nhà nước nên tư vấn, tham mưu, giúp việc rất hiệu quả. "Tại sao chúng ta không lấy được người từ khối tư nhân vào Nhà nước?", ông Thanh nêu vấn đề. Cho biết Bộ Chính trị và Trung ương cũng đã đề cập đến vấn đề này, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị phải sửa đổi, bổ sung về quy định này cho hợp lý để thực hiện nhằm tăng trưởng, nâng cao nền quản trị quốc gia. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nếu không có sự giao lưu, giao thoa giữa cán bộ khối Nhà nước và tư nhân và nếu chỉ loay hoay ở khối công chức Nhà nước thì cán bộ không thể hiểu hết được nhiều vấn đề như các loại hình kinh doanh, vận hành xã hội, kinh tế, văn hoá.

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, luật cần dài hạn, không nên đưa như những điều cụ thể vào mà nên quy định ở nghị định. Cụ thể, dự thảo luật đang quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì mới bàn giao công việc cho các đơn vị hành chính cấp xã mới. "Vậy trong 15 ngày này người dân làm thủ tục hành chính như khai sinh, khai tử, đi nước ngoài… thì ai làm, cơ quan nào tiếp nhận hồ sơ. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu vấn đề.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và thống nhất quan điểm xuyên suốt là phải đảm bảo mọi việc phải thông suốt, trôi chảy, ít nhất là với những dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị trong dự thảo luật phải ghi rất kỹ vấn đề này để các địa phương thực hiện được thuận lợi từ 0h ngày 1/7 - thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) đồng tình với quy định quản lý cán bộ theo vị trí việc làm và đánh giá năng lực theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, phải xác định rõ cơ chế đo lường hao phí công việc, độ phức tạp của công việc mà công chức thực hiện khi xác định chức trách nhiệm vụ. Đồng tình với quy định quản lý cán bộ theo vị trí việc làm, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị phải có thời gian thực việc cho tất cả vị trí tuyển dụng. “Ngay cả những người giỏi nhất, thậm chí là nhân tài được tuyển dụng vào đúng vị trí theo quy định nhưng chưa chắc họ đã phù hợp. Do vậy, cần có thời gian để người được tuyển dụng thích nghi với công việc”, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng phải xây dựng thang điểm đánh giá chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, chứ không nên đánh giá bằng các tiêu chí chung chung. “Quy định phải nêu được yêu cầu cán bộ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được quy định theo vị trí việc làm. Nếu không quy định rõ, sau này chính cán bộ, công chức họ lại nêu vướng quy định nên không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hoàng Văn Cường nói thêm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đối thoại chính sách Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 13 đã diễn ra sáng 8/5 tại Trụ sở Bộ Quốc phòng.

Lòng xe điếu – một đặc sản nội tạng được mệnh danh là "mỹ vị nhân gian" bất ngờ trở thành tâm điểm của làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội. Đằng sau hiện tượng mạng xã hội và món khoái khẩu này là gì?

Dự án luật trình Quốc hội nêu rõ việc kết thúc hoạt động của ba Tòa án nhân dân cấp cao, không tổ chức Tòa án cấp huyện mà thay thế bằng mô hình Tòa án khu vực.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Heydar Aliyev, thành phố Baku, Azerbaijan, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Azerbaijan từ ngày 7-8/5, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev.

Cần quy định rất rõ về công tác quản lý và sử dụng hóa chất, đặc biệt với những hóa chất được phép lưu thông trên thị trường, hoặc hóa chất đặc biệt nguy hiểm. Đây là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm khi thảo luận về Luật hóa chất sửa đổi sáng 8/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành vào chiều 7/5 về xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.