Kê đơn thuốc kéo dài 90 ngày, người bệnh hưởng lợi | Hà Nội tin mỗi chiều
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 26 cho phép bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú tối đa 90 ngày đối với một số bệnh mạn tính.
Đây là một bước thay đổi đáng kể, không chỉ với người bệnh mà cả với hệ thống y tế.
Trước đây, theo quy định cũ, hầu hết bệnh nhân mạn tính chỉ được kê đơn tối đa 30 ngày. Kể cả khi tình trạng đã ổn định, thuốc không thay đổi, họ vẫn phải đến bệnh viện mỗi tháng để nhận đơn mới. Việc này gây tốn kém thời gian, chi phí đi lại, nhất là với người cao tuổi hoặc những ai sống xa trung tâm y tế. Thông tư 26 giờ đây cho phép bác sĩ được quyền kê đơn tối đa 90 ngày đối với 252 bệnh và nhóm bệnh mạn tính phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, loét dạ dày - tá tràng… nếu người bệnh được đánh giá là ổn định về lâm sàng.
Theo TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, quy định này là kết quả từ quá trình khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến từ các bệnh viện, chuyên gia và cả Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Với người bệnh, đây có thể xem là một bước tiến nhân văn. Với ngành y, đây là giải pháp giảm tải hiệu quả. Bởi lẽ, số lượng bệnh nhân mạn tính tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đang ngày một tăng. Nếu cứ giữ cách làm cũ, mỗi tháng một đơn, mỗi tháng một lần khám thì chẳng những người bệnh mệt, mà bác sĩ cũng không thể có thời gian tập trung cho các ca phức tạp hơn. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đại trà. Bác sĩ chỉ được kê đơn dài ngày khi người bệnh thực sự ổn định, có hồ sơ bệnh án đầy đủ và được tiên lượng tốt. Đồng thời, đơn thuốc bắt buộc phải ghi số định danh cá nhân (CCCD), giúp kiểm soát tốt quá trình cấp phát và theo dõi sau kê đơn.
Trên một vài diễn đàn, nhiều người vẫn băn khoăn, kê đơn 90 ngày liệu có an toàn? Có khiến bệnh nhân dùng thuốc sai cách, hoặc chậm phát hiện biến chứng? Đây là mối lo chính đáng. Nhưng điều quan trọng là, Bộ Y tế không né tránh mà đã tính toán trước. Trước khi ban hành, chính sách này đã được lấy ý kiến rộng rãi từ các hội đồng chuyên môn, bệnh viện đầu ngành và đơn vị bảo hiểm.
Một loạt giải pháp kiểm soát cũng đã được nêu rõ như: bác sĩ phải đánh giá lâm sàng kỹ lưỡng trước khi kê đơn dài ngày; các cơ sở y tế cần nâng cấp hệ thống phần mềm kê đơn, theo dõi tác dụng không mong muốn; người bệnh và gia đình phải được hướng dẫn cách bảo quản thuốc, nhận biết dấu hiệu bất thường và quay lại tái khám đúng hẹn. Việc phân cấp rõ ràng như vậy không chỉ giúp hạn chế rủi ro, mà còn thúc đẩy sự chủ động từ cả hai phía: thầy thuốc và người bệnh.
Tại Mỹ, kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính theo chu kỳ 90 ngày đã trở thành chuẩn phổ biến trong hệ thống y tế, đặc biệt thông qua các chương trình bảo hiểm cho người cao tuổi và cho người thu nhập thấp. Các bệnh nhân mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hen suyễn... thường được kê thuốc 3 tháng/lần nếu tình trạng ổn định và có thể lựa chọn nhận thuốc tại nhà qua các hệ thống phân phối hoặc qua đường bưu điện. Lý do khiến chính sách này phát huy hiệu quả là bởi Mỹ có nền tảng hồ sơ y tế điện tử (EHR) và hệ thống quản lý đơn thuốc liên thông. Mỗi lần bác sĩ kê thuốc, thông tin đều được lưu trên hệ thống điện tử, giúp họ dễ dàng phát hiện tương tác thuốc, theo dõi tuân thủ điều trị và cảnh báo nếu người bệnh trùng thuốc hoặc sử dụng sai liều. Ngoài ra, các phần mềm bảo hiểm cũng tích hợp cảnh báo nếu người bệnh không nhận thuốc đúng lịch, đồng thời khuyến khích hình thức “refill tự động” - giúp người bệnh không bị gián đoạn khi điều trị dài hạn.
Qua đó, chúng ta có thể thấy, việc mở rộng kê đơn dài ngày sẽ chỉ thật sự hiệu quả nếu đi kèm hệ thống phần mềm quản lý đơn thuốc tốt, liên thông dữ liệu giữa các tuyến và hồ sơ sức khỏe cá nhân được cập nhật đều đặn. Hiện Bộ Y tế cũng đang triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý đơn thuốc điện tử và đây là cơ hội để đồng bộ hóa các công cụ hỗ trợ chuyên môn, hướng đến mục tiêu lớn hơn: chăm sóc sức khỏe liên tục, không gián đoạn.
Việc cho phép kê đơn thuốc tối đa 90 ngày là một điều chỉnh nhỏ trong quy trình, nhưng lại có thể tạo ra thay đổi lớn trong trải nghiệm điều trị. Nó không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh, mà còn giúp bác sĩ được tập trung vào chuyên môn thay vì lặp lại những thủ tục cứng nhắc. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta thực hiện: từ phần mềm quản lý đơn thuốc, năng lực tuyến y tế cơ sở, cho đến cả ý thức tuân thủ điều trị của người dân.