Israel chấp thuận ngừng bắn: Có phải bước đi chiến lược?
Việc ông Netanyahu chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn có thể xem là bước chuyển chiến lược lớn nhất kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10/2023.

Thủ tướng Israel đã bất ngờ chấp thuận một đề xuất ngừng bắn từng bị chính phủ cánh hữu của ông bác bỏ sau nhiều tháng xung đột khốc liệt tại Dải Gaza. Động thái này diễn ra sau khi Hamas chính thức phản hồi tích cực với đề xuất trung gian nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời thực hiện trao đổi tù binh từng phần. Giới quan sát nhận định sự thay đổi lập trường của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không chỉ xuất phát từ áp lực quốc tế mà còn bị chi phối bởi bối cảnh chính trị nội bộ tại Israel, bao gồm sự rạn nứt trong chính phủ và nguy cơ thất bại trong các cuộc bầu cử sớm.
Sự rạn nứt từ trong nội bộ Israel
Việc Hamas chấp thuận các điều khoản sửa đổi của đề xuất ngừng bắn do Giám đốc CIA William Burns cùng các quan chức Qatar đàm phán đã đặt chính phủ Israel trước áp lực phải đưa ra phản hồi rõ ràng. Trong khi nhiều thành viên quân đội và các cố vấn an ninh quốc gia khuyến nghị nắm lấy cơ hội này, các thành phần cứng rắn trong nội các, tiêu biểu là Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich lại phản đối quyết liệt.
Sự rạn nứt nội bộ càng trở nên nghiêm trọng sau khi hai nhân vật trung tâm của "Nội các chiến tranh" ông Gadi Eisenkot và ông Benny Gantz rút lui. Điều này không chỉ làm giảm tính chính danh của chính phủ trong điều hành chiến tranh, mà còn khiến ông Netanyahu gần như cô lập trong quá trình ra quyết định.

Thêm vào đó, các cuộc khảo sát dư luận gần đây tại Israel cho thấy, tín nhiệm của Thủ tướng Netanyahu đang ở mức thấp kỷ lục. Nếu bầu cử được tổ chức sớm, ông khó có thể thành lập lại chính phủ liên minh - một viễn cảnh chính trị mà bản thân ông Netanyahu không thể chấp nhận. Vì vậy, ngừng bắn và hồi hương tù binh có thể là cách duy nhất để ông giữ vị thế chính trị và thuyết phục cử tri.
Áp lực từ đồng minh chiến lược: Vai trò của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Một yếu tố đáng chú ý khác là ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới quan sát cho rằng, ông Netanyahu đang kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ cung cấp cho Israel những bảo đảm chiến lược quan trọng, đặc biệt trong vấn đề Iran và việc bình thường hóa quan hệ với Ả rập Xê út.
Một số nhà phân tích còn cho rằng, cuộc gặp riêng giữa ông Netanyahu và Tổng thống Trump dự kiến diễn ra vào thứ 2 ngày 7/7, có thể chính là “điểm bùng phát” cho tuyên bố ngừng bắn 60 ngày chính thức. Truyền thông Israel khẳng định các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas tại Doha sẽ không kéo dài quá 36 giờ, phù hợp với thời điểm ông Netanyahu trở lại từ Mỹ.
Lập trường ngày càng độc lập của quân đội
Theo bản ghi âm bị rò rỉ từ cuộc họp nội các, các lãnh đạo quân sự cấp cao đã thể hiện sự mệt mỏi và lúng túng trước yêu cầu tiếp tục chiến dịch tại Gaza. Một chỉ huy cấp cao được cho là đã nói với các bộ trưởng: “Chúng tôi không rõ chính phủ muốn chúng tôi làm gì tiếp theo tại Gaza. Nếu là tiếp tục chiếm đóng, xin hãy đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với cái giá phải trả”.
Quân đội Israel cho biết, để kiểm soát hoàn toàn Gaza, nước này cần điều động ít nhất 5 sư đoàn - một gánh nặng khổng lồ cho nền kinh tế vốn đã tổn thất nghiêm trọng vì chiến tranh. Quan trọng hơn, khả năng các con tin Israel bị thiệt mạng trong quá trình tấn công được đánh giá là rất cao, điều mà ông Netanyahu - người từng coi việc hồi hương con tin là “ưu tiên quốc gia” không thể mạo hiểm.
Dù Hamas đã tỏ ra mềm mỏng hơn, tiến trình đàm phán vẫn đối mặt với nhiều khúc mắc nghiêm trọng, đáng chú ý nhất là các điều kiện trao đổi tù binh. Hamas yêu cầu thả một số thủ lĩnh chính trị và quân sự cấp cao đang bị Israel giam giữ - điều mà Tel Aviv trước đó từng coi là “lằn ranh đỏ không thể vượt qua”.
Ngoài ra, có thông tin cho thấy Hamas cũng yêu cầu được thả khoảng 1.000 tù nhân Palestine, trong đó hơn 100 người đang chịu án tù chung thân. Đổi lại, nhóm vũ trang này đồng ý thả từng đợt tù binh Israel còn sống, phần lớn là binh sĩ.
Một điểm nóng khác là yêu cầu về viện trợ nhân đạo. Hamas và nhiều tổ chức quốc tế đã bác bỏ kế hoạch phân phối viện trợ thông qua “Quỹ Nhân đạo Gaza”- cơ chế do Israel và Mỹ đề xuất. Các cuộc tấn công gần đây nhằm vào nhân viên các tổ chức nhân đạo quốc tế càng làm dấy lên lo ngại rằng viện trợ sẽ tiếp tục bị chính trị hóa hoặc sử dụng như công cụ mặc cả.
Dù chưa có tuyên bố chính thức nào về việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas, phát biểu của Thủ tướng Netanyahu tại một cuộc họp kín với Tổng Tham mưu trưởng Eyal Zamir đã phần nào hé lộ ý định thực sự của ông: sơ tán cư dân Gaza về phía Nam, thiết lập “vùng dân sự rộng lớn” không do Hamas kiểm soát và để quân đội Israel duy trì sự hiện diện ở các khu vực chiến lược.
Tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức bị quân đội phản đối. “Chúng tôi không thể kiểm soát 2 triệu người dân đói khát và tuyệt vọng”, một chỉ huy quân sự cấp cao được trích lời; “Sự chiếm đóng quân sự kéo dài không phải là một lựa chọn khả thi”.

Việc ông Netanyahu chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn có thể xem là bước chuyển chiến lược lớn nhất kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10/2023. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải: Liệu Hamas có thật sự suy yếu? Liệu thỏa thuận hiện tại có đủ điều kiện để duy trì hòa bình lâu dài? Và liệu ông Netanyahu có sẵn sàng trả giá chính trị thậm chí là chia tay liên minh cánh hữu để đổi lấy hòa bình?
Một số nhà phân tích cho rằng ngừng bắn lúc này không phải là kết thúc chiến tranh, mà chỉ là giai đoạn chuyển tiếp để các bên đánh giá lại thế và lực.