Hà Nội trong những sáng tác của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn

Giữa sự phát triển và chuyển đổi không ngừng của thị trường âm nhạc, Trung tá, nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn vẫn kiên trì theo đuổi âm nhạc chính thống, sáng tác những ca khúc về đất nước và về Hà Nội.

Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn sinh năm 1983 tại Hà Nội trong gia đình có truyền thống về âm nhạc. Ông nội của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn là Nhà giáo ưu tú Tạ Tấn (tên thật là Tạ Duy Thái) - một trong những người sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Bố mẹ của anh cũng là những nghệ sĩ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội).

Vì vậy, tình yêu với âm nhạc đã được nuôi dưỡng trong trái tim nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn từ thuở bé. Dù là một nhạc sĩ trẻ, nhưng nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn lại lựa chọn cho mình con đường âm nhạc riêng khi anh luôn miệt mài, tâm huyết với những sáng tác về Bác Hồ, về Đảng và về quê hương đất nước, con người Việt Nam. Có thể kể tới một số ca khúc nổi bật như: “Có Đảng sáng soi vững bước ta đi”, “Bản làng em nhớ ơn Người”, “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh”, “Có một con người như thế” hay “Màu áo trắng tinh khôi”…

Nhắc tới những sáng tác của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, bên cạnh các ca khúc về quê hương đất nước, về Đảng và Bác Hồ kính yêu, không kể không kể tới những ca khúc anh viết về Hà Nội - quê hương của mình. Đó là hai bài hát “Hà Nội, ngày... tháng... năm...” và “Hà Nội đến để yêu”.

Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn chia sẻ: "Điều mà truyền cảm hứng lớn nhất cho Tuấn khi sáng tác các ca khúc về chủ đề Hà Nội đó chính là một tình yêu da diết, nồng nàn với Hà Nội. Vì Hà Nội là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi Tuấn được sinh ra, được nuôi dưỡng. Tuấn được sống trong bầu không khí của Hà Nội ngay từ bé và những cái ký ức từ những thời thơ ấu ấy cứ ùa về.

Ca khúc “Hà Nội, ngày... tháng... năm...”, thể hiện bởi ca sĩ Nhật Huyền được lấy cảm hứng từ chính câu chuyện tình yêu của bố mẹ nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn thời bao cấp ở Hà Nội. Đây cũng là ca khúc mà nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn đã xuất sắc giành giải A trong cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Thanh âm Hà Nội” do UBND Thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhân dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

"Tuấn viết ca khúc này dựa trên chính câu chuyện có thật từ tình yêu của bố mẹ mình. Cho đến bây giờ, khi mẹ Tuấn đã mất, bố Tuấn vẫn một mình, vẫn yêu, vẫn nhớ. Khi mẹ Tuấn bị bệnh, bố là người chăm sóc, là người chia sẻ với mẹ. Mỗi buổi chiều tà, bố Tuấn thỉnh thoảng hay ngồi mở lại những bức thư hai người viết cho nhau. Những dòng chữ rất mộc mạc, giản dị. Mình đặt tên ca khúc là 'Hà Nội, ngày…tháng…năm' là cách mình muốn chơi chữ, muốn dùng những chấm lặng đó để người nghe tự đặt mình, tự đặt cảm xúc của mình điền vào những ngày tháng của chính họ ở trong ca khúc" - nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn chia sẻ thêm.

Khác với “Hà Nội, ngày…tháng…năm…” có giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình, với ca khúc “Hà Nội đến để yêu”, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn đã mang đến một màu sắc âm nhạc trẻ trung, hiện đại, kết hợp với lời rap theo xu hướng nghe nhạc của giới trẻ nhưng vẫn truyền tải được những nét đẹp trong văn hóa của Hà Nội trong từng câu hát.

Với giọng hát cá tính, nội lực của ca sĩ trẻ Nguyễn Thị Minh Ngọc (Chou Tú Ngọc) cùng sự kết hợp sáng tạo giữa các nhạc cụ âm nhạc dân tộc truyền thống với âm nhạc hiện đại, "Hà Nội đến để yêu" đã mang đến góc nhìn mới của một người trẻ về Hà Nội. Ca khúc này cũng đã giúp Minh Ngọc xuất sắc giành giải Á quân dòng nhạc nhẹ tại cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024.

Để sáng tác một ca khúc về Hà Nội, với nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, không chỉ cần tình yêu mãnh liệt, sự gắn bó sâu sắc với Thủ đô mà còn phải bằng sự chân thành, quan sát sự thay đổi và phát triển của thành phố theo thời gian cùng cảm nhận tinh tế của mỗi người.  Hà Nội không chỉ là quê hương mà còn có ý nghĩa lớn với nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn cả trong cuộc sống và âm nhạc.

Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn cho biết: "Khi viết ca khúc về Thủ đô, Tuấn thường chú ý đến những thông điệp mình muốn truyền tải trong ca khúc. Một ca khúc sẽ nói lên những vẻ đẹp của lịch sử, những tính cách của con người Thủ đô, nói lên những điểm nhấn, những vẻ đẹp đặc trưng, khắc họa lên những nét rêu phong của Thăng Long ngàn năm văn hiến. Mỗi sáng tác Tuấn đều muốn truyền tải một cái câu chuyện, một thông điệp riêng. Nhưng tựu chung lại, Tuấn muốn lan tỏa tình yêu, sức sống, hình ảnh và con người của Hà Nội đến bạn bè năm châu".

Hà Nội trong những sáng tác của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn đã phần nào khắc họa hình ảnh của Thủ đô qua lăng kính của thế hệ trẻ hôm nay - một thành phố phát triển hiện đại nhưng vẫn lưu giữ những giá tị văn hóa, lịch sử ngàn năm. Âm nhạc của anh giúp người nghe cảm nhận Hà Nội theo cách chân thực nhất, từ những điều giản dị nhất. Và có lẽ, chính sự mộc mạc, tự nhiên ấy đã tạo nên sức hút đặc biệt trong những ca khúc về Hà Nội của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn.

Thế hệ nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Thủ đô như nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn vẫn đang lặng lẽ dệt nên những giai điệu mang hồn cốt của Hà Nội, của người Tràng An, có chút hoài niệm, có chút tươi mới, vừa tiếp nối những giá trị xưa cũ, vừa thổi vào đó hơi thở của thời đại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội năm nay, lần đầu tiên công nghệ AI Chatbot được đưa vào tư vấn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham dự.

Nghề thổi thuỷ tinh ở Vạn Nhất đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Họ quen tay, quen việc, quen cả tiếng lửa tí tách mỗi ngày.

Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.

Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.

Mỗi năm, cứ đến tháng Tư, Hà Nội lại đón mùa hoa loa kèn như một lời nhắc rằng, dù cuộc sống có đổi thay, vẫn có những điều giản dị mà đẹp đẽ sẽ quay trở lại.

Trên khu vực phố cổ Hà Nội, hầu như các nhà mặt đường đều là các cửa hàng, cửa hiệu phục vụ khách du lịch trong và nước ngoài, trong đó nhiều cửa hàng luôn luôn đông khách, đắt hàng.