Hà Nội, thành phố của những ý tưởng sáng tạo

Với nhiều chính sách cởi mở, thành phố Hà Nội đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các không gian sáng tạo hình thành và phát triển.

Các không gian sáng tạo tạo sức hút cho Thủ đô Hà Nội

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện toàn Thành phố có hơn 120 không gian sáng tạo đa dạng lĩnh vực, từ nghệ thuật thị giác, thiết kế, âm nhạc đến kiến trúc, thủ công mỹ nghệ… Không chỉ góp phần làm phong phú diện mạo văn hóa đô thị, những không gian này còn tạo việc làm, thúc đẩy du lịch và là nền móng cho công nghiệp văn hóa phát triển bền vững.

Là mô hình sáng tạo nghệ thuật liên ngành hiếm hoi tại Việt Nam, Cộng Xưởng không chỉ là không gian trưng bày hay thử nghiệm, mà còn là nơi gặp gỡ của những ý tưởng. Ở đây, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu… cùng ngồi lại để biến sáng tạo thành sản phẩm phục vụ đời sống.

Anh Trần Anh Tú, Giám đốc Không gian sáng tạo Cộng Xưởng chia sẻ: "Ngay cái tên Cộng Xưởng đã gồm rất nhiều xưởng tương tác với nhau. Mục tiêu của nhóm là làm về phát triển trong lĩnh vực sáng tạo, chúng tôi muốn làm thí điểm trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa tại Cộng Xưởng. Cộng Xưởng sẽ chủ yếu là nơi biến một ý tưởng trở thành một dự án và dự án đấy là dự án mang tính liên ngành. Nên mục tiêu Cộng Xưởng đưa ra là thu thập rất nhiều ý tưởng".

Lấy chất liệu từ những hình ảnh quen thuộc nhất của làng quê Bắc Bộ: gian bếp với bếp củi, chiếc chạn bát hay bộ áo dài mộc mạc, đặc biệt là sản phẩm văn hóa guốc mộc, Am Cà Kê là một không gian sáng tạo trải nghiệm độc đáo dựa trên những sản phẩm văn hóa có sẵn. Thông qua trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa để thấy và thêm yêu những giá trị xưa, góp phần làm sống lại những giá trị ấy trong đời sống hiện đại.

Không còn là một di tích “đóng khung”, ngôi nhà di sản 22 Hàng Buồm đang được “kích hoạt” bằng các hoạt động sáng tạo gắn với truyền thống. Đây là điểm hẹn quen thuộc của người yêu nghệ thuật, là minh chứng cho khả năng biến di sản thành giao lộ của sáng tạo và trải nghiệm.

Từ các xưởng sáng tạo đến những góc phố hồi sinh nhờ văn hóa, các không gian sáng tạo đang giúp Hà Nội trở thành nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Không chỉ tô đậm cá tính đô thị, đây còn là những hạt nhân lan tỏa cảm hứng sáng tạo tới cộng đồng.

Người trẻ kiến tạo không gian nghệ thuật

“Hà Nội sẽ mở rộng các không gian sáng tạo mang tầm quốc tế” là nội dung trong Kế hoạch số 97 mà UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành vào ngày 11/4/2025 về việc tổ chức các hoạt động tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2025.

Giữa lòng khu phố cổ, địa chỉ 22 Hàng Buồm, từng là Hội quán Quảng Đông từ thế kỷ 19, có thời được tận dụng làm nhà trẻ, nay đã được hồi sinh thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Nhờ sáng kiến của UBND quận Hoàn Kiếm, không gian di sản này đã được khôi phục nguyên trạng, trở thành điểm hẹn của nghệ thuật đương đại và văn hóa truyền thống.

Một công trình từ nguồn vốn công, nhưng hiệu quả mang lại là lợi ích cộng đồng, giữ gìn giá trị lịch sử, lan tỏa sáng tạo, thu hút giới trẻ, nghệ sĩ và cả du khách quốc tế. Đây là một minh chứng sinh động cho cách Hà Nội đầu tư cho di sản, không chỉ để bảo tồn, mà còn để tiếp sức cho văn hóa sống động và đổi mới.

Từ khi chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo, Hà Nội đã chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt hoạt động nghệ thuật. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo hằng năm với gần 100 sự kiện là minh chứng rõ ràng cho sức sống và khát vọng đổi mới. Đặc biệt, các sáng kiến “Biến di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo” đang giúp Hà Nội khẳng định vai trò tiên phong trong xu thế phát triển kinh tế sáng tạo trên trường quốc tế.

Chính sách mở đường cho sáng tạo

Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Đây là công cụ và cam kết quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Hà Nội là nơi tập trung nguồn lực sáng tạo và là nơi có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước.

Trong những năm qua, cộng đồng sáng tạo và không gian sáng tạo tại Hà Nội đã không ngừng nỗ lực đổi mới, trở thành những điểm sáng về thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Không chỉ là nơi ươm mầm những ý tưởng mới mẻ, các không gian sáng tạo còn đóng vai trò cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa cộng đồng địa phương và quốc tế.

Hiện Hà Nội đang tập trung phát triển và mở rộng các không gian sáng tạo. Trong đó xây dựng các không gian sáng tạo điểm đến trên cơ sở thiết chế hiện có của ngành văn hóa như: Không gian sáng tạo giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Không gian sáng tạo phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long; Di tích nhà tù Hỏa Lò...

Lần đầu tiên, Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, xác định rõ mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo”. Cùng với đó, các chính sách cụ thể cho không gian sáng tạo dần hình thành - từ hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, đến tạo điều kiện để nghệ sĩ, tổ chức độc lập được hoạt động trong khuôn khổ chính sách rõ ràng, minh bạch.

Ông Đỗ Đình Hồng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: "Thành phố chúng ta đã xây dựng một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có sự phát triển về văn học nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật. Chúng ta đã có gần 200 không gian sáng tạo mà trong đó có cả loại hình về văn học, có cả loại hình về nghệ thuật có tính chất sắp đặt và thu hút cộng đồng dân cư, cũng như người dân và doanh nghiệp tham gia".

Chính những thay đổi này đã góp phần “mở đường” cho sự nở rộ của các không gian sáng tạo. Từ nhà kho cũ, nhà máy cũ, các khu dân cư cũ - không gian sáng tạo đã được thổi hồn mới, mang đến sức sống cho đô thị và cơ hội cho nghệ sĩ.

Tuy nhiên, để không gian sáng tạo thực sự phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần thêm sự đột phá trong cách vận hành chính sách công, đặc biệt là cơ chế hợp tác công - tư, phương thức cấp phép linh hoạt và cách tiếp cận tài nguyên di sản một cách cởi mở, hiệu quả hơn.

Chính sách không chỉ là hành lang pháp lý, mà còn là chất xúc tác. Khi chính sách đi trước, sáng tạo sẽ không bị bó hẹp, mà được cất cánh giữa lòng thành phố ngàn năm văn hiến.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lễ trao giải thưởng kiến trúc quốc gia 2024-2025 đã diễn ra tối 20/5, tại Nhà hát Lớn.

Công an tỉnh Nghệ An ngày 20/5 đã phá thành công Chuyên án vận chuyển, buôn bán pháo nổ xuyên quốc gia, bắt giữ hai đối tượng và thu giữ khoảng 1,5 tấn pháo các loại.

Sở Y tế TP. HCM vừa phát hiện nhiều sai phạm và ban hành quyết định thu hồi tổng cộng 70 số công bố tiêu chuẩn, áp dụng đối với các sản phẩm thiết bị y tế được xác định khai báo không đúng quy định.

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Hà Nội vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô đặc biệt lớn và điều gây bất ngờ trong vụ án này chính từ công nghệ sản xuất ra những TPCN giả với một quy trình 'không tưởng'.

Phải quy rõ trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Thường trực Chính phủ vừa qua.

Tối 19/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên để điều tra tội lừa dối khách hàng. Ngoài ra, có 4 bị can khác là lãnh đạo trong công ty CP Asia Life cũng bị khởi tố về tội 'Sản xuất hàng giả là thực phẩm'.