Giữ gìn văn hóa qua cách đặt tên đường phố mới

Việc đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng không chỉ phục vụ cho công tác quản lý đô thị, mà còn thể hiện cách Hà Nội gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa.

Những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội được đẩy nhanh, nhiều đường, phố và công trình công cộng được hình thành, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Công tác đặt tên đường, phố và công trình công cộng tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý đô thị luôn được nhân dân, các cấp chính quyền quan tâm.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc đặt tên, đổi tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025. Theo đó, 38 tuyến đường, phố mới được đặt tên; điều chỉnh độ dài 6 tuyến đường phố; đặt tên 14 công trình công cộng mới và đổi tên 1 công trình công cộng. Mỗi con phố, mỗi công trình công cộng được đặt tên ở Thủ đô là một cách kể chuyện về lịch sử, văn hóa và những con người tiêu biểu.

Một số đường, phố, công trình mới được đặt tên có thể kể tới như: phố Nguyễn Hữu Liêu, phố Doãn Khuê, phố Học Phi, phố Phạm Khắc Hòe, đường Ba Đảm Đang, đường Lê Xá, đường Chử Đồng Tử, đường Tiên Dung…; Vườn hoa Kim Quan, Vườn hoa Ngô Huy Quỳnh, Vườn hoa Thường Tín; Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được đổi tên thành Công viên Võ Thị Sáu.

Đáng chú ý, TP. Hà Nội muốn khôi phục phố Hàng Lọng cho đoạn từ ngã tư giao phố Trần Bình Trọng đến ngã ba giao phố Yết Kiêu, dài 174 m, lòng đường 7 m, vỉa hè mỗi bên 3 m. Theo các nhà nghiên cứu, phố Hàng Lọng xuất hiện từ cuối triều Lê, thuộc thôn Cung Tiên xưa. Khu vực này từng chuyên làm và buôn bán kiệu, ô, lọng cho quan lại và đình chùa, từ đó hình thành tên gọi Hàng Lọng. Việc phục hồi tên phố Hàng Lọng không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn thể hiện nỗ lực bảo tồn ký ức đô thị, bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: "Chúng ta có những cái tên đường Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng,… rất hay để nhắc đến công lao của những người đã có công đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng có những tên đường, phố được đặt theo các nhân vật truyền thuyết như đường Lạc Long Quân, Âu Cơ - tôi nghĩ rằng đó là câu chuyện hay, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Việt Nam".

Những con phố, tuyến đường mang tên danh nhân không chỉ có tên gọi đơn thuần mà còn ẩn chứa những câu chuyện đầy cảm xúc. Tên đường, tên phố không chỉ là những ký hiệu định danh không gian, mà còn là biểu tượng sống động về chân dung, cuộc đời của những con người đã góp phần tạo dựng giá trị văn hóa và tinh thần cho dân tộc.

Tính đến hết năm 2024, Hà Nội đã có 1.414 tuyến đường, phố và công trình công cộng được đặt tên. Việc đặt, đổi tên đường phố được Thành phố xác định là công tác quan trọng nhằm phục vụ quản lý đô thị, đồng thời gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa - lịch sử.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: "Tỉ lệ giữa địa danh lịch sử và danh nhân đã cân đối, tương đối rõ ràng hơn. Những khảo sát tạo ra tính hợp lý thể hiện mỗi danh nhân, địa danh tương ứng với tên đường, phố, công trình công cộng. Chúng ta phải tiến hành nghiên cứu một cách bài bản, điều tra trao đổi với địa phương tạo ra một sự đồng thuận tuyệt đối".

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: "Ưu tiên cao độ cho các địa danh cổ, các danh nhân phải thật nổi bật, kiệt xuất".

Việc đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng không chỉ phục vụ cho công tác quản lý đô thị, mà còn thể hiện cách Hà Nội gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa. Mỗi tên gọi mới, từ danh nhân lịch sử đến địa danh văn hoá, đều là một lát cắt ký ức, góp phần kể lại câu chuyện dân tộc trên từng con đường, góc phố. Đó cũng là cách Thành phố vun đắp tình yêu quê hương, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và xây dựng tinh thần đoàn kết, hội nhập.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời