Công bố hợp quy gây phiền hà cho doanh nghiệp
Sáng 10/5, tại kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật (Luật TC&QCKT). Một trong những nội dung được nhiều nhiều ĐBQH nêu ý kiến là đề nghị bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, gây tốn kém, phiền phức cho doanh nghiệp.

Đề xuất giữ lại một phần thủ tục công bố hợp quy
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc khi đồng thời quy định về thủ tục công bố, chứng nhận hợp quy và thủ tục cấp Giấy phép lưu hành hoặc số đăng ký đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật chuyên ngành.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một QCKT thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 26a).
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy và thể hiện như tại Điều 69a dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời hai thủ tục công bố hợp quy theo Luật TC&QCKT và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.
Ông Huy cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu. “Tiếp thu ý kiến nêu trên, tại Điều 48 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới (Điều 57 dự thảo Luật). “Việc quy định như vậy không làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu”, ông Huy nhấn mạnh.
Cần gỡ bỏ toàn phần thủ tục công bố hợp quy
Góp ý vào dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH An Giang) cho rằng nên bãi bỏ thủ tục hợp quy vì không phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu giữ quy định thì sẽ khiến Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đến nay còn duy trì loại thủ tục này. Bà cũng cho hay hiện nay các nước chỉ tập trung vào xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và thực hiện hậu kiểm thông qua các công cụ đánh giá của họ.
Nếu giữ loại thủ tục này Việt Nam còn rơi vào nguy cơ bị các đối tác thương mại nhìn nhận đây là hàng rào phi thuế quan.
“Thực tế cho thấy để thực hiện thủ tục hợp quy, doanh nghiệp rất tốn kém chi phí, thời gian chờ đợi, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”, đại biểu Bé nói. Theo bà, trong thực tế quy định này không có hiệu quả trong thực tế, nên áp dụng cách làm của thế giới hiện nay là để doanh nghiệp tự áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hoá của mình, còn nhà nước thì thông qua các công cụ giám sát của mình, tiến hành hậu kiểm nếu phát hiện sản phẩm, hàng hoá không đạt tiêu chuẩn.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết “Có quá nhiều các ý kiến phản ánh những bất cập, phiền hà, lãng phí từ thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì không có quốc gia nào áp dụng công bố hợp quy như Việt Nam thì chúng ta cần nghiên cứu, tiếp thu, bãi bỏ quy định này”.
Bà nhấn mạnh trong bối cảnh Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành, thì việc bãi bỏ loại thủ tục vô lý, gây gia tăng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp như loại thủ tục công bố hợp quy càng phải được bãi bỏ sớm, chứ không nên giữ lại một phần như cơ quan thẩm tra dự luật đã giải trình.
Phân tích và chỉ ra hàng loạt bất cập của quy định này, đại biểu Vân đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải tiếp tục duy trì một thủ tục gây lãng phí quy mô lớn và vô hình chung trở thành 'giấy phép con trá hình' - trái ngược hoàn toàn với tinh thần cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi".
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH Đoàn Cà Mau) cho biết, việc yêu cầu doanh nghiệp phải công bố sản phẩm của họ đạt chuẩn (hợp quy) đối với những hàng hóa đã có quy định kỹ thuật là không cần thiết. Lý do là vì các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu kỹ thuật về chất lượng, an toàn của hàng hóa (như Hiệp định TBT và SPS của WTO) cho phép mỗi quốc gia tự đặt ra các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật riêng cho sản phẩm, hàng hóa của mình.
Ở Việt Nam, chúng ta gọi đó là quy chuẩn kỹ thuật. Các quy chuẩn này được tạo ra để các tổ chức và cá nhân tham khảo và áp dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước sẽ dựa vào các quy chuẩn này để kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm. Tuy nhiên, không có quốc gia nào trên thế giới quy định doanh nghiệp phải tự công bố sản phẩm của mình là "hợp quy" trước khi sản xuất, kinh doanh hoặc đưa hàng hóa ra thị trường như ở Việt Nam.
Theo đại biểu, quy định công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là không có ý nghĩa trong quản lý, chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, thời gian vô lý cho doanh nghiệp.
“Thực sự đây là một khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước” – đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh.
Cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Tại phiên thảo luận về dự thảo luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thiện dự thảo luật đã bám sát các yêu cầu thực tiễn nhằm xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước.
Theo đó, dự thảo đã loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Một trong những điểm đáng chú ý trong quá trình sửa đổi là định hướng tiếp cận theo đầu ra, lấy năng suất, hiệu suất và hiệu quả quản lý làm tiêu chí.
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta không khuyến khích áp dụng nhanh các tiêu chuẩn quốc tế nếu chưa phù hợp với điều kiện trong nước, đồng thời cần ưu tiên các tiêu chuẩn bảo đảm tính khả thi và sát thực tiễn sản xuất”.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, hiện vẫn tồn tại tình trạng một loại sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ chịu sự điều chỉnh của nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do nhiều bộ ngành ban hành, dẫn tới chồng chéo, bất cập trong quản lý. Dự thảo lần này đã rà soát kỹ lưỡng, nhằm khắc phục triệt để tình trạng đó, đồng thời loại bỏ những quy định quản lý quá mức cần thiết, tránh gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động công bố hợp quy – một khâu quan trọng trong đánh giá sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật – cũng được chuyển đổi mạnh mẽ sang môi trường điện tử. Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian thực hiện mà còn giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.
Về việc một số đại biểu Quốc hội đề cập đến việc bãi bỏ Điều 48 của luật liên quan đến công bố hợp quy, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến và cùng cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo việc điều chỉnh là hợp lý, đồng thời không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đã và đang vận hành.
Việc xây dựng và hoàn thiện luật lần này thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.


Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 45 vào chiều 10/5, tại Nhà Quốc hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét bỏ quy định công bố hợp quy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay, 19 dự án/dự án thành phần được đưa vào khai thác; đang triển khai thi công 52 dự án/dự án thành phần cơ bản bám sát tiến độ đề ra.
Thời nay đi chợ mua thực phẩm hay vào các quán xá mọi người chọn theo tiêu chí đồ ăn ngon. Nhưng ăn ngon liệu đã đủ? Với hàng loạt các vụ việc thực phẩm bẩn bị phát hiện, mọi người lại thêm giật mình về chữ "sạch" của những thực phẩm mà mình ăn mỗi ngày.
Tài xế điều khiển ô tô đâm liên hoàn 6 xe máy vào tối 9/5 tại huyện Thanh Trì đã đến cơ quan công an trình diện.
Qua công tác tuyên truyền vận động của cơ quan công an, sau thời gian lẩn trốn tại Campuchia, sáng 10/5, Trần Minh Thượng đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang đầu thú.
0