Chuyện gì sẽ xảy ra khi thời hạn hoãn thuế kết thúc?

Sự khó lường của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến chúng ta không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra, khi thời hạn tạm dừng áp thuế dài 90 ngày kết thúc.

Vì sao ông Trump “quay xe”?

Tròn một tuần sau khi áp thuế quan bảo hộ thương mại đối ứng với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 đã quyết định ngừng việc áp thuế quan đối ứng này trong thời gian 90 ngày nhưng vẫn duy trì mức thuế cơ bản 10%. Riêng đối với Trung Quốc, mức thuế quan bảo hộ thương mại được tăng thêm 125%. Quyết định này được đưa ra sau nhiều ngày thị trường chứng khoán lao dốc và trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo rằng vị tổng thống thứ 47 sắp đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái thảm khốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột đảo ngược một phần chính sách thuế quan mới của mình chỉ vài giờ sau khi nó chính thức có hiệu lực. Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump giải thích cho quyết định hoãn áp thuế quan của mình rằng có hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Mỹ để đàm phán và các quốc gia này đã không trả đũa Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào. Ông Trump cũng cáo buộc, Trung Quốc đã “thiếu tôn trọng thị trường toàn cầu” khi “ăn miếng trả miếng” về thuế quan nên đã quyết định áp mức thuế quan 125% đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Nhà Trắng sau đó làm rõ rằng, mức thuế mà Trung Quốc phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ trên thực tế lên tới 145%, trong đó bao gồm mức thuế đối ứng 125% mà ông Trump công bố ngày 10/4 và mức thuế 20% đã được Tổng thống Trump áp dụng trước đó để hạn chế nguồn fentanyl từ Trung Quốc đến Mỹ, một cáo buộc mà Bắc Kinh luôn bác bỏ.

Việc ông Trump tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng là động thái mới nhất trong một loạt các động thái đảo ngược chính sách của tổng thống Mỹ kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1. Lý giải cho quyết định của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, những biện pháp thuế quan cứng rắn mà Tổng thống Trump công bố tuần trước không đơn thuần là hành động trả đũa thương mại - mà là một “chiến lược đàm phán” được tính toán kỹ lưỡng.

“Chúng ta đã thấy chiến lược đàm phán thành công mà Tổng thống Trump đã thực hiện một tuần qua, từ đó đưa hơn 75 quốc gia tiến tới đàm phán. Ông ấy đã phải rất can đảm để giữ vững lập trường cho đến thời điểm này".

Ông Scott Bessent - Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Mặc dù vậy, trên thực tế, giới quan sát cho rằng ông Trump buộc phải điều chỉnh để tránh phản ứng tiêu cực quá mạnh từ thị trường. Hiện kinh tế Mỹ đã xuất hiện một số dấu hiệu mất ổn định như thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh với hàng trăm nghìn tỷ USD bốc hơi chỉ trong vài ngày. Không chỉ vậy, trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn đang mất đi sức hấp dẫn, tạo ra áp lực tài chính đối với ngân khố quốc gia.

“Những biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ chắc chắn là một điều gì đó. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tại một thời điểm đã tăng 50 điểm cơ bản chỉ trong vài ngày và có vẻ như chính phản ứng trên thị trường trái phiếu đã khuyến khích ông Trump ra quyết định tạm dừng áp thuế trong 90 ngày, chứ không phải sự sụt giảm liên tiếp trên thị trường chứng khoán”.

Ông Ellie Henderson - Nhà kinh tế tại Investec

Tổng thống Trump ngày 9/4 cũng thừa nhận, ông đã theo dõi sát sao biến động trên thị trường trái phiếu trước khi định tạm hoãn áp thuế đối ứng.

Cơ hội đẩy nhanh tiến trình đàm phán

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn áp thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 90 ngày đồng nghĩa Mỹ và các đối tác thương mại sẽ có thêm thời gian đàm phán nhằm mục tiêu tạo lập mối quan hệ cân bằng và bền vững hơn. Sau quyết định hoãn áp thuế của ông Trump, nhiều nước đã đẩy nhanh tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ.

Giới chức Mỹ cho biết, hơn 70 quốc gia đang chờ đợi để đạt được các thỏa thuận thương mại với Washington. Một số quốc gia đã gửi đại diện đến Mỹ để đàm phán thuế quan, bao gồm Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Các quốc gia khác cũng bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán.

Ngày 10/4, sau khi Tổng thống Trump quyết định tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa từ hàng chục đối tác thương mại, Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn thực thi các biện pháp áp thuế trả đũa với Mỹ trong vòng 90 ngày.

“Chúng tôi muốn đàm phán, chúng tôi muốn nói chuyện, chúng tôi đánh giá cao việc các bạn đã tạm dừng cái gọi là 'thuế quan qua lại' và chúng tôi hiện đang tạm dừng các biện pháp đối phó được đề xuất của mình để chúng tôi có không gian tối đa để tham khảo ý kiến của các quốc gia thành viên, tham khảo ý kiến của các ngành công nghiệp của chúng tôi và đàm phán với Mỹ. Chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện các thỏa thuận”.

Ông Olof Gill - Người phát ngôn Ủy ban châu Âu

Nhận định về quyết định hoãn thuế đối ứng 90 ngày của Washington, Thủ tướng Canada Mark Carney gọi đây là “sự tạm hoãn đáng hoan nghênh cho nền kinh tế toàn cầu”, đồng thời khẳng định ông sẽ nhanh chóng bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Tại châu Á, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo ngày 10/4 cho biết, chính phủ nước này sẽ tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán với Mỹ để “giảm bớt gánh nặng của các mức thuế quan” đối với nước này.

“Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại để tăng trưởng và phát triển, Hàn Quốc nên nỗ lực hết sức trong 90 ngày tới để đạt được tiến triển có ý nghĩa trong các cuộc đàm phán”.

Ông Han Duck-Soo - quyền Tổng thống Hàn Quốc

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cũng khẳng định, chính phủ nước này sẽ tranh thủ thời gian mà Mỹ tạm dừng áp thuế để điều chỉnh chiến lược và chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới với Washington. Thái Lan sẵn sàng tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ và điều chỉnh thuế nhập khẩu, như một phần trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại có lợi hơn.

Lo ngại vẫn còn

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định áp thuế quan có thể coi là cơn địa chấn đối với kinh tế thế giới. Với việc ông Trump xuống thang, các quốc gia trên thế giới và giới đầu tư đã có thể thở phào. Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn.

Bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về việc tạm dừng áp thuế đối ứng cho thấy mục đích của động thái này là để tạo cơ hội cho các đối tác thương mại của Mỹ đạt được thỏa thuận nhằm tránh thuế quan. Ông Trump và các quan chức Mỹ khác đã nói rằng, họ muốn các nước thực hiện các biện pháp bao gồm giảm thuế quan của riêng họ cũng như các rào cản thương mại khác.

Việc đến nay 70 nước đã đề nghị đàm phán theo như tuyên bố của Mỹ cho thấy không ít nước lựa chọn cách thức thương lượng để tìm giải pháp. Tuy nhiên, việc một số đối tác lớn như Trung Quốc, EU, Canada công bố các biện pháp trả đũa cũng cho thấy cũng có những nước theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn.

Theo giới quan sát, quá trình đàm phán dự kiến sẽ kéo dài và còn nhiều khó khăn. Để tránh kịch bản thuế quan tái diễn sau 90 ngày, trong bối cảnh phải tiến hành nhiều cuộc đàm phán cùng lúc, Nhà Trắng có thể sẽ chuyển từ áp thuế quan chung sang các loại thuế theo ngành và miễn trừ sản phẩm có mục tiêu hơn.

“Ông Trump có thể chuyển từ áp dụng thuế quan chung cho từng quốc gia sang hệ thống dựa trên thuế quan cụ thể cho từng sản phẩm, có thể dễ quản lý hơn đối với các nhà sản xuất và nhắm mục tiêu vào các rào cản thương mại không công bằng đối với các sản phẩm cụ thể”.

Bà Allie Renison - cựu quan chức Bộ Thương mại Anh

Nhưng cũng có khả năng là khi thời gian tạm dừng 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 7, các quốc gia vẫn chưa đàm phán xong một thỏa thuận với Mỹ sẽ lại phải đối mặt với mức thuế quan từng được áp dụng vào ngày 9/4. Một khả năng khác là ông Trump cũng có thể tuyên bố hoãn lại một lần nữa, như ông đã từng hai lần hoãn áp dụng thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada.

Sự khó đoán định trong chính sách của Tổng thống Mỹ cũng như những gì có thể xảy ra sau 90 ngày khiến giới quan sát không khỏi quan ngại. Đây cũng là lý do khiến chứng khoán Mỹ vừa trải qua phiên giao dịch ngày 10/4 chìm trong sắc đỏ với 3 chỉ số chính đều đồng loạt lao dốc sau đợt phục hồi mạnh trước đó.

“Chưa thể nói rằng bất ổn đã kết thúc. Chúng ta có thể có một khoảng dừng ngắn trong thời gian tạm dừng 90 ngày đối với thuế quan qua lại, nhưng vẫn chưa rõ mục tiêu cuối cùng của ông Trump về thuế quan là gì và các quốc gia sẽ đàm phán như thế nào. Tôi nghĩ rằng sự bất ổn chắc chắn sẽ còn tồn tại, ít nhất là trong thời điểm hiện tại”.

Ông Ellie Henderson - Nhà kinh tế tại Investec

Hiện quốc gia đang gây khó nhất cho chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là Trung Quốc. Ngày 9/4, ông Trump cho biết, ông không nghĩ mình sẽ cần phải tăng thuế thêm lần nữa và rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn đạt được thỏa thuận.

“Tôi rất kính trọng Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy thực sự là bạn của tôi trong một thời gian dài và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ kết thúc bằng việc giải quyết một điều gì đó rất tốt cho cả hai nước. Tôi mong chờ điều đó”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tuy nhiên, ngày 11/4, nhằm đáp trả mức thuế 145% mà Mỹ áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã quyết định nâng mức thuế đối với hàng hoá Mỹ từ 84% lên 125%. Quyết định này có hiệu lực từ 12/4. Các đòn ăn miếng trả miếng giữa hai bên đến nay khiến một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ bùng nổ, với tác động lan tỏa và ảnh hưởng trên toàn cầu.

Kinh tế Mỹ vẫn có nguy cơ suy thoái

Giới quan sát nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc phải “cài số lùi”, quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng mức cao trước những yếu tố “lợi bất cập hại” và phản tác dụng đối với chính trị - xã hội, kinh tế và tài chính ở nước Mỹ. Tuy nhiên, với việc mức thuế “cơ bản” 10% cùng hàng loạt mức thuế đã được ban hành trước đó vẫn được duy trì, cũng như việc ông Trump mạnh tay hơn với Trung Quốc, kinh tế Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ suy thoái.

Mỹ hiện vẫn áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Ô tô và phụ tùng ô tô dù tránh được mức thuế 10% nhưng đã phải chịu mức thuế 25% riêng biệt do ông Trump đưa ra vào tháng trước.

Mexico và Canada là hai quốc gia tránh được thuế đối ứng, nhưng từ tháng trước Washington đã áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ hai nước láng giềng không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thương mại tự do USMCA.

Nhà Trắng hôm 9/4 cũng xác nhận rằng, mức thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ sẽ vẫn được giữ nguyên và các cuộc điều tra có thể dẫn đến việc áp thuế đối với đồng và gỗ xẻ vẫn đang tiếp tục. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng có thể thực hiện các cam kết của mình về việc áp dụng thuế đối với khoai tây chiên và dược phẩm. Trong khi đó, dù thuế đối ứng ở mức cao đã được hoãn lại trong 90 ngày, nhưng thuế với Trung Quốc lại được nâng lên 145%. Mức thuế suất kỷ lục này, nếu được thực thi đầy đủ, sẽ tạo ra một rào cản thương mại khổng lồ, đẩy giá hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ lên mức phi lý, gây ra những hệ lụy sâu rộng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Apple, một doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, đã chứng kiến hàng trăm tỷ USD bốc hơi do thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng Apple sẽ buộc phải tăng giá sản phẩm hoặc tự gánh chi phí thuế bổ sung khi những mức thuế mới có hiệu lực. UBS ước tính mẫu iPhone cao cấp nhất có thể tăng giá khoảng 350 USD - tương đương 30% - so với mức giá hiện tại là 1.199 USD.

Trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát cho rằng, thời gian tới, người tiêu dùng Mỹ nên chuẩn bị cho nhiều ngày tồi tệ hơn trên thị trường chứng khoán và mức tăng giá khủng khiếp, chưa kể đến khả năng suy thoái.

“Với mức thuế quan cao hơn 125% đối với hàng hóa Trung Quốc, mức thuế quan thực tế trên tất cả các quốc gia và hàng hóa không thay đổi đáng kể. Nó vẫn ở mức trên 20% và sẽ khiến giá cả mọi mặt hàng, từ quần áo đến ô tô và điện thoại di động tăng vọt”. 

Ông Mark Zandi, Nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics

Một nghiên cứu của Đại học Yale mới đây cho biết, nếu ông Trump tăng thuế nhập khẩu thêm 20%, một hộ gia đình Mỹ sẽ tốn thêm trung bình 3.400 USD một năm.

Không chỉ vậy, một khi chiến tranh thương mại leo thang, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Tờ Financial Times cho biết, Trung Quốc đã điều chỉnh giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất trong 18 tháng vào ngày 8/4. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngân hàng trung ương nước này có thể sẽ phá giá đồng nội tệ để ứng phó với tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc từng cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá hơn 1/10 so với đồng USD để đáp trả thuế quan của Mỹ.

Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã rút cảnh báo suy thoái đối với kinh tế Mỹ, nhưng giữ nguyên nhận định nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tăng trưởng yếu hơn trong năm nay. GDP của Mỹ có thể chỉ tăng 0,5% trong quý IV. Xác suất suy thoái hiện tại vẫn là 45%.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đáp lại đề xuất ngừng bắn của phía Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ý sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn sau thời hạn này.

Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.

Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.

Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.