Chiến sự ngày 8/5: Lệnh ngừng bắn ba ngày có hiệu lực

Tình hình chiến sự Ukraine trong ngày 8/5 đã tạm lắng xuống, sau khi lệnh ngừng bắn ba ngày nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng chính thức có hiệu lực từ 0h ngày 8/5 (giờ Nga). Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều tố cáo bên còn lại cố tình vi phạm ngừng bắn.

Lệnh ngừng bắn 3 ngày có hiệu lực

Từ 0 giờ ngày 8/5 theo giờ Moscow (tức 4 giờ, giờ Hà Nội), lệnh ngừng bắn 3 ngày với Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu có hiệu lực. Sáng kiến được công bố nhân thời gian Nga kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết, lực lượng Nga sẽ tôn trọng lệnh của Tổng thống Putin trong suốt đợt lễ, nhưng sẽ đáp trả "ngay lập tức" nếu Ukraine nổ súng.

Lệnh ngừng bắn 3 ngày có hiệu lực nhân dịp Nga tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều cáo buộc bên còn lại cố tình vi phạm lệnh ngừng bắn. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định phía Ukraine đã thực hiện 488 cuộc tấn công trong ngày 8/5. Đáng chú ý, bộ này còn tố quân đội Kiev đã hai lần tìm cách vượt qua biên giới và đổ quân vào vùng Kursk. Ở chiều ngược lại, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha khẳng định lực lượng Nga "tiếp tục tấn công dọc toàn tiền tuyến". Ông Sybiha cho rằng Moscow đã vi phạm lệnh ngừng bắn 734 lần và tiến hành 63 cuộc tấn công, trong đó có 23 cuộc vẫn đang tiếp diễn.

Ngày Chiến thắng 9/5 là dịp Moscow kỷ niệm Thế chiến 2 kết thúc tại châu Âu. Trong cuộc chiến khốc liệt này, Liên Xô là lực lượng chủ chốt làm nên chiến thắng của phe Đồng minh, đồng thời là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất. Điểm nhấn của lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng là một cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Năm nay, Điện Kremlin cho biết, buổi lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng sẽ có các nhà lãnh đạo và đại diện của 29 quốc gia trên thế giới tham dự.

Quốc hội Ukraine phê chuẩn thỏa thuận khoáng sản với Mỹ

Quốc hội Ukraine ngày 8/5 đã bỏ phiếu nhất trí phê chuẩn Thỏa thuận đối tác kinh tế, hay còn gọi là thỏa thuận khoáng sản mang tính bước ngoặt với Mỹ. Theo đó, thỏa thuận trên đã nhận được 338 phiếu thuận, cao hơn nhiều so với số phiếu cần thiết là 226. Không có thành viên nào trong Quốc hội Ukraine bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng. Việc phê chuẩn là một bước quan trọng trong việc đưa thỏa thuận được lãnh đạo Ukraine và Mỹ ký kết tại Washington hồi tháng 4 vào thực tế.

Quốc hội Ukraine ngày 8/5 bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận đối tác kinh tế với Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận này thành lập một quỹ đầu tư tái thiết Ukraine trong vòng 10 năm đầu tiên sau chiến tranh. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ có quyền tiếp cận ưu tiên đối với nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine. Thỏa thuận này không nêu bất kỳ điều gì liên quan đến đảm bảo an ninh mà giới chức Kiev mong muốn. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn xem đây là con đường để mở khóa những lô viện trợ vũ khí mới từ Mỹ, trong đó có hệ thống phòng không Patriot mà Kiev đã khao khát có thêm từ nhiều tháng qua.

Theo văn bản do chính phủ Ukraine công bố, thỏa thuận này bao gồm các khoáng sản, trong đó có các nguyên tố đất hiếm, cũng như các nguồn tài nguyên có giá trị khác, bao gồm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nó không bao gồm các nguồn lực vốn đã là nguồn thu nhập của nhà nước Ukraine. Bất kỳ khoản lợi nhuận nào theo thỏa thuận đều phụ thuộc vào sự thành công của các khoản đầu tư mới.

Các quan chức Ukraine cũng lưu ý rằng thỏa thuận này không đề cập đến bất kỳ nghĩa vụ nợ nào đối với Kiev, nghĩa là lợi nhuận từ quỹ này có thể sẽ không được dùng để trả lại cho Mỹ vì sự hỗ trợ trước đó của họ. Các quan chức Ukraine cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đảm bảo quyền sở hữu hoàn toàn các nguồn tài nguyên vẫn thuộc về Ukraine và nhà nước sẽ quyết định những gì có thể khai thác và khai thác ở đâu. Văn bản thỏa thuận liệt kê 55 loại khoáng sản nhưng cho biết có thể thỏa thuận thêm.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu thúc đẩy một thỏa thuận trong đó Washington sẽ nhận được 500 tỷ USD tiền lợi nhuận từ các khoáng sản khai thác như một khoản bồi thường cho sự hỗ trợ của nước này cho Ukraine trong giai đoạn xung đột. Tuy nhiên, ông Zelensky đã từ chối lời đề nghị này, nhấn mạnh rằng ông sẽ không ký vào một thỏa thuận sẽ khiến 10 thế hệ người Ukraine mới trả hết nợ.

Ukraine nhận được 1 tỷ euro từ tài sản bị đóng băng của Nga

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố rằng, Kiev đã nhận được 1 tỷ euro (tương đương 1,13 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) từ lợi nhuận thu được từ các tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga. Theo Thủ tướng Ukraine, khoản tiền này là một phần của cách tiếp cận công bằng mà theo đó Nga có nghĩa vụ phải trả giá cho sự tàn phá mà nước này gây ra ở Ukraine. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, các nước phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga.

Hầu hết các tài sản này được nắm giữ tại Liên minh châu Âu, đặc biệt là tại Bỉ. Phần còn lại nằm ở Mỹ, Nhật Bản và các nước G7 khác. Các nước G7 đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không gỡ bỏ lệnh phong tỏa cho đến khi Nga bồi thường cho Ukraine về những thiệt hại mà họ đã gây ra. Trong khi đó, EU đã bắt đầu sử dụng lợi nhuận từ các tài sản này. Gần đây, Thủ tướng Ukraine tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ cung cấp cho Kiev 3 tỷ USD có nguồn gốc từ tài sản của Nga.

Ukraine thảo luận với các đồng minh về lệnh ngừng bắn 30 ngày

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak thông báo rằng, Kiev đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các đối tác từ Mỹ, EU, Bắc Âu và các nước Baltic về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày. Các đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ là ông Steve Witkoff và Keith Kellogg đã tham gia vào các cuộc thảo luận trên.

Theo ông Yermak, trong các cuộc đàm phán, Ukraine nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện phải là bước đầu tiên hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì Hòa bình ở Thụy Sĩ tháng 6/2024. (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi cũng thảo luận về các công cụ gây sức ép trong trường hợp Nga từ chối sáng kiến ​​hoặc vi phạm các thỏa thuận. Một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày là một phép thử về sự chân thành. Nếu Moscow thực sự muốn hòa bình – đã đến lúc hành động. Nếu họ chọn leo thang – phản ứng phải thống nhất và quyết đoán”, ông Yermak nói thêm.

Trong vài tháng qua, Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán riêng rẽ với Ukraine và Nga để tìm cách chấm dứt chiến tranh. Trong quá trình tiếp xúc với phía Ukraine, Washington đã đưa ra sáng kiến ​​ngừng bắn hoàn toàn và Kiev ngay lập tức bày tỏ sự đồng ý với đề xuất này. Nhưng phía Nga cho rằng một biện pháp như vậy chỉ có thể thực hiện sau khi có các cơ chế đảm bảo thực thi và duy trì. Thay vào đó, Moscow đã 2 lần công bố lệnh ngừng bắn tạm thời với phía Ukraine. Ngày 7/5, Phó Tổng thống JD Vance cho biết Mỹ đang chuyển trọng tâm từ lệnh ngừng bắn 30 ngày trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sang việc định hình một giải pháp hòa bình lâu dài. Trong phát biểu cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thời điểm đưa ra quyết định về tiến trình hòa giải với Ukraine đang ngày càng cận kề. Ông Trump nhấn mạnh rằng những lựa chọn quan trọng sẽ sớm phải được đưa ra, dù ông không cảm thấy hài lòng về điều đó.

Trong bối cảnh nỗ lực ngoại giao cho cuộc xung đột còn bế tắc do các quan điểm trái ngược nhau, phương Tây vẫn tiếp tục cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trước thông tin các đồng minh phương Tây của Ukraine đang thảo luận về việc cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Kiev và đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo: “Việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ trì hoãn triển vọng giải quyết và dẫn đến tình hình leo thang và bạo lực. Bất kỳ ai cung cấp vũ khí cho Ukraine với tuyên bố quan tâm đến người dân Ukraine nhưng thực tế họ đang giết hại người dân Ukraine bằng những nguồn cung cấp này”.

Mỹ quan tâm đến việc giải quyết xung đột Ukraine lâu dài

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS rằng, Mỹ đã thể hiện mong muốn tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine.

"Về cuộc khủng hoảng Ukraine, chính quyền mới của Mỹ đang thể hiện sự hiểu biết về bản chất của cuộc xung đột và nguyên nhân gốc rễ của nó, thể hiện sự quan tâm đến một giải pháp lâu dài và bền vững", ông Vasily Nebenzya cho biết. "Đây là lý do tại sao vào tháng 2, Mỹ đã đề xuất dự thảo đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, kêu gọi thiết lập hòa bình lâu dài và được Nga và Trung Quốc ủng hộ", ông nói thêm.

Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng Kiev và các đồng minh châu Âu của họ đang cố gắng phá hoại các sáng kiến ​​hòa bình. "Chúng tôi có thể thấy rõ điều đó và chúng tôi không ảo tưởng về khả năng của Kiev và các đồng minh châu Âu của họ trong việc đạt được các thỏa thuận vì chúng tôi biết bản chất thực sự của họ và những lời hứa của họ có giá trị như thế nào", ông nói.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Netanyahu cho biết chiến dịch sắp tới tại Gaza sẽ là một “chiến dịch quân sự cường độ cao”. Chiến dịch này đã được nội các an ninh thông qua sau khi Israel huy động hàng chục nghìn quân dự bị để chuẩn bị cho cuộc tấn công trên diện rộng, đồng thời khiến cho viễn cảnh hoà bình tại Dải Gaza ngày càng xa vời.

Lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất đã chính thức có hiệu lực từ nửa đêm ngày 8/5 theo giờ Moscow (tức 4 giờ sáng nay, giờ Việt Nam).

Triều Tiên đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi biển Nhật Bản vào sáng 8/5. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều ghi nhận vụ phóng thử tên lửa đạn đạo này của Triều Tiên, với quỹ đạo bay của tên lửa được đánh giá là bất thường.

New Delhi đã phải cho đóng cửa 21 sân bay trên khắp miền Bắc và Tây Bắc để đảm bảo an toàn, đồng thời đặt các bang biên giới với Pakistan trong tình trạng báo động đỏ, sau khi Pakistan đe dọa đáp trả chiến dịch quân sự mới đây của Ấn Độ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin tại điện Kemlin, nhân dịp tham dự các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng ngày 8/5.

Ngày 24/6/1945, Quảng trường Đỏ ở Moscow trở thành tâm điểm của thế giới khi Hồng quân Liên Xô tổ chức Lễ duyệt binh Chiến thắng đầu tiên, đánh dấu sự sụp đổ của phát xít Đức và vinh danh cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945). Đây không chỉ là một sự kiện quân sự mà còn là biểu tượng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, của lòng quả cảm, sự hy sinh và niềm tự hào dân tộc.