Cẩn trọng với đạo lý online

Khi cảm xúc cá nhân lấn át lý trí, thậm chí đi ngược kết luận pháp luật, thì không còn là chia sẻ mà là cổ xúy cho hành vi sai lệch. Đạo lý không thể dùng để lấn át pháp lý.

Nhân danh đạo lý để cổ xúy cái sai, vượt khỏi khuôn khổ pháp luật trên không gian mạng là một dạng ngụy biện nguy hiểm.

Nhân danh phản biện hay cản trở phát triển

Ngày 15/4/2024, ông Đặng Hoàng Giang thông báo trên Facebook ngừng hợp tác với Công ty Nhã Nam sau 9 năm đồng hành. Ông Giang cho biết, nguyên nhân do cựu Tổng Giám đốc Nhã Nam có lời nói và hành vi thân mật với nhân viên nữ “vượt quá giới hạn”, khiến người này sợ hãi và tổn thương.

Ngày 18/4/2024, ông Nguyễn Nhật Anh đăng lời xin lỗi trên fanpage chính thức, khẳng định có thể đã gây hiểu nhầm nhưng hành vi không vượt quá giới hạn đạo đức và tạm thời thôi giữ chức Tổng Giám đốc để phối hợp điều tra sự việc.

Tháng 6/2024, Nhã Nam và cá nhân ông Nguyễn Nhật Anh gửi đơn tố cáo ông Giang về các hành vi như “vu khống”, “làm nhục” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp.

Ngày 26/6/2025, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này. Thay vào đó, Công an thành phố Hà Nội có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị xử lý ông Đặng Hoàng Giang khi cho rằng các bài viết của ông Giang trên Facebook cá nhân có dấu hiệu của tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đồng thời, Công an Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Nội vụ thu hồi giấy phép lao động của ông Đặng Hoàng Giang theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng, phản biện là cần thiết, nhưng nếu vượt qua ranh giới pháp luật và thiếu tinh thần xây dựng thì có còn là phản biện? Phản biện không thể là đặc quyền của một nhóm người tự cho mình có “đạo lý” cao hơn xã hội.

Cẩn trọng với đạo lý online

Ngày 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã triệt phá đường dây mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có liên quan đến nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, được biết đến là nhà mốt nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, thường được nhắc đến với danh xưng "Anh cả làng thời trang Việt", "Người tiên phong trong thời trang",… Công Trí dính líu tới chất cấm là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn có nhiều tài khoản lên tiếng bênh vực, kêu gọi “tôn trọng tài năng, bỏ qua lỗi lầm”.

Trước hàng loạt vụ việc nghệ sĩ vi phạm pháp luật liên quan đến chất kích thích thời gian gần đây, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Bộ đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như một cam kết đạo đức với công chúng. Nghệ sĩ dù có sức ảnh hưởng lớn đến đâu, vẫn là công dân và phải tuân thủ pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ - kể cả khi vi phạm an toàn giao thông hay liên quan đến các hành vi sử dụng chất cấm. Hệ thống pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài xử lý các vi phạm.

Liên quan đến vụ Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (Công ty Nhã Nam) tố cáo ông Đặng Hoàng Giang (60 tuổi, quốc tịch Áo, trú tại phường Bồ Đề, Hà Nội) vu khống, làm nhục người khác và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị xử lý hành chính đối với ông Giang.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khẳng định: “Nghệ sĩ càng nổi tiếng bao nhiêu, càng có sức ảnh hưởng, càng phải đối mặt với chuẩn mực cao hơn. Xã hội không thể vận hành bằng cảm tính, mà phải bằng công lý và nguyên tắc, nếu không sẽ vô tình gửi đi thông điệp vô cùng nguy hiểm rằng, nghệ sĩ có thể phạm lỗi vì họ đã tạo ra giá trị cho xã hội".

Cảm thông là điều nên có trong một xã hội nhân văn, nhưng cảm thông không thể thay thế cho trách nhiệm pháp lý. Việc một người có tài năng hay cống hiến không thể là lý do để họ được miễn trừ khỏi những quy chuẩn chung. Đặc biệt, với giới trẻ - những người đang hình thành nhân sinh quan, việc thấy một người nổi tiếng vi phạm pháp luật nhưng vẫn được công chúng bênh vực có thể dẫn đến hiểu lầm về ranh giới đúng - sai và gây ra những hệ lụy lâu dài trong việc hình thành giá trị sống. Khi cảm xúc cá nhân lấn át lý trí, thậm chí đi ngược kết luận pháp luật, thì không còn là chia sẻ mà là cổ xúy cho hành vi sai lệch. Đạo lý không thể dùng để lấn át pháp lý; mạng xã hội không phải tòa án cảm xúc.

Ảo tưởng quyền lực và hệ lụy với xã hội

"Ảo tưởng quyền lực" là hiện tượng trên mạng xã hội, dùng để chỉ tâm lý hoang tưởng, nhận thức quá mức về quyền hạn của bản thân trên mạng xã hội, từ đó có thể phát sinh những hành vi không phù hợp, vi phạm pháp luật về an ninh mạng, gây thiệt hại cho xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

Việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên không gian mạng là quyền tự do ngôn luận của mỗi người. Nhưng lợi dụng điều này, nhân danh đạo lý để bênh vực cho các sai, vượt khỏi khuôn khổ pháp luật, đó không còn là phản biện xã hội mà đã gây sai lệch trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền - Khoa Marketing và truyền thông - Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việc cá nhân khen chê một ai là quan điểm cá nhân của họ. Tuy nhiên, ở góc độ người nổi tiếng, KOL, bất kỳ khen chê, lời ăn tiếng nói đều tác động tới giới trẻ, cộng đồng nói chung. Việc bày tỏ khen chê phải cân nhắc đối với hành vi vi phạm pháp luật hoặc đang trong quá trình điều tra”.

Trường hợp nhà thiết kế Công Trí là người nổi tiếng, không thể phủ nhận những đóng góp của anh cho nền thời trang nước nhà, nhưng “công là công”, “tội là tội”, những việc làm trái pháp luật của anh sẽ chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật, chúng ta hoàn toàn không để lấy công chuộc tội, hay lấy hào quang người nổi tiếng để che lấp đi hiện thực; nhất là không thể thay cơ quan chức năng phán xét hay kết tội bất kỳ ai.

“Người nổi tiếng cần hiểu rằng, nếu họ vi phạm pháp luật hoặc đạo đức thì cái giá phải trả là rất lớn, sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Người nổi tiếng có trách nhiệm xã hội sẽ nhận thức rõ điều này để họ điều chỉnh lời ăn, tiếng nói, hành vi. Những gương nghệ sĩ vi phạm sẽ là bài học cho những nghệ sĩ khác”, Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền nhấn mạnh.

Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin-truyền thông, hoạt động của người dân trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh chóng. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên mạng xã hội, trong bối cảnh những nội dung này đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhận thức, hành vi, thói quen và đời sống tinh thần hằng ngày của nhiều nhóm người trong xã hội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời