Cẩn trọng với bệnh liệt mặt mùa lạnh
Liệt mặt là một căn bệnh về thần kinh ngoại biên thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền từ người này sang người khác. Theo ước tính, cứ khoảng 100.000 người thì có 20 – 25 trường hợp bị mắc bệnh liệt mặt trên thế giới. Trong đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc cao hơn, với tỷ lệ 43 trường hợp/100.000 người.
Các nguyên nhân gây liệt mặt
Liệt mặt ngoại biên - liệt mặt do lạnh: Theo Viện quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ, lạnh là nguyên nhân phổ biến nhất gây liệt mặt. Mỗi năm, có khoảng 40.000 người Mỹ bị liệt mặt đột ngột do bệnh liệt liệt mặt do lạnh. Nhiều bác sĩ cho rằng, liệt mặt do lạnh có thể liên quan đến tình trạng nhiễm virus ở dây thần kinh mặt. Hầu hết những người bị liệt mặt do lạnh đều hồi phục hoàn toàn trong khoảng một tuần đến 6 tháng.
Các biểu hiện liệt mặt do lạnh là tình trạng liệt mặt một bên gồm: Mất cảm giác da bên liệt, giảm tiết nước mắt, miệng bị kéo lệch về bên lành, giảm vị giác, nói lắp, chảy nước dãi, đau trong hoặc sau tai, đau nhói bên tai bị liệt mặt khi có âm thanh to, khó ăn uống...
Viêm tai giữa gây liệt mặt: Nếu viêm tai giữa không được điều trị hoặc điều trị muộn, cũng có thể gây liệt mặt. Bệnh nhân có biểu hiện viêm tai giữa cấp hoặc viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm có thể xuất hiện liệt mặt ngoại biên; với viêm tai giữa mạn tính, biểu hiện liệt mặt ngoại biên là một trong những dấu hiệu cảnh báo loại viêm tai nguy hiểm, cần có sự can thiệp của thầy thuốc chuyên khoa.
Đột quỵ - liệt mặt trung ương: Một nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây ra liệt mặt là đột quỵ. Liệt mặt xảy ra trong một cơn đột quỵ khi các dây thần kinh điều khiển các cơ ở mặt bị tổn thương tại não. Tùy thuộc vào loại đột quỵ, tổn thương các tế bào thần kinh là do thiếu ô xy hoặc phù nề chèn ép lên các tế bào do chảy máu não. Các tế bào não có thể bị chết trong vòng vài phút.
Liệt mặt do đột quỵ cảm nhận như liệt mặt do lạnh kèm theo các biểu hiện như: Thay đổi mức độ nhận thức, tinh thần căng thẳng, chóng mặt, mất đồng bộ các động tác, co giật, thị lực thay đổi hoặc bị liệt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn các bộ phận của cơ thể như tay chân.
Nếu đột quỵ gây tổn thương ở vùng dây thần kinh mặt trung ương thì vẫn mở được mắt và vùng mặt trên vẫn vận động bình thường, biểu hiện liệt ½ dưới mặt. Vì đôi khi khó phân biệt giữa đột quỵ và các nguyên nhân khác gây ra liệt mặt, nên nhanh chóng đưa người thân đến bác sĩ nếu nhận thấy bị liệt mặt.

Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây liệt mặt
Trong đó thường gặp là do chấn thương mặt, chấn thương xương thái dương đoạn có dây thần kinh mặt.
- Hội chứng Ramsay - Hunt do một loại virus ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, với những biểu hiện như: Đau tai, cổ bên liệt mặt, ù tai, sức nghe giảm cùng bên, chóng mặt, rối loạn giọng…
- Các khối u vùng sọ não gây tổn thương thần kinh VII.
- Các bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, ảnh hưởng đến não và tủy sống, và hội chứng Guillain-Barré, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
- Việc sinh nở có thể gây liệt mặt tạm thời ở một số trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, 90% trẻ sơ sinh bị loại thương tích này sẽ hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị.
- Một số hội chứng bẩm sinh gây liệt mặt, chẳng hạn như hội chứng Mobius và hội chứng Melkersson -Rosenthal.
Liệt mặt có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ trong khoảng thời gian hàng tháng (trường hợp có khối u). Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng tê liệt có thể kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài vĩnh viễn. Liệt mặt có thể là do những nguyên nhân trung ương (vùng não) hoặc ngoại biên (dây thần kinh khi thoát ra ngoài sự kiểm soát của não).
Vì vậy, khi có biểu hiện liệt mặt như có cảm giác tê bì vùng mặt (thường một bên) kèm theo khó nhai; Khi uống nước, nước sẽ tự động chảy ra ngoài phía miệng bên mặt liệt; Khi soi gương sẽ thấy mặt của bản thân mình mất cân đối… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được điều trị theo mách bảo, điều trị tại nhà tránh nguy hại đến tính mạng.
Lời khuyên của bác sỹ
Khi thời tiết chuyển lạnh, điều quan trọng nhất là bạn phải tránh gió lạnh đột ngột. Vì vậy, buổi tối trước khi đi ngủ, cần đóng kín cửa để tránh gió lùa và không để khí lạnh ở ngoài tràn vào phòng ngủ. Lúc ngủ, cơ thể phải được ấm từ đầu đến chân.
Gia đình có trẻ nhỏ hay người cao tuổi nên dùng máy điều hòa hai chiều có sưởi ấm hay lò sưởi vào mùa lạnh. Tuyệt đối không dùng bếp củi, bếp than để tránh bị ngộ độc khí CO.
Đối với người cao tuổi, có bệnh về thận, bệnh đái tháo đường, nên để sẵn một chiếc mũ ấm và một áo khoác ấm hoặc một chiếc chăn nhỏ, khi tỉnh dậy đi tiểu cần đội mũ, khoác áo ấm hoặc khoác chăn để tránh lạnh đột ngột.
Bạn cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.
Khi ra khỏi nhà, bạn nên mặc ấm, cổ quàng khăn len, đầu đội mũ ấm, bàn tay, bàn chân cần đi tất, nên đeo thêm khẩu trang rộng có hai lớp để vừa tránh bụi vừa giữ ấm cho mặt, mũi. /.


Khi trẻ mắc cúm, sởi, phụ huynh thường quan tâm tới các biểu hiện của trẻ ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, nghẹt mũi… nhưng chủ quan không chú ý các biểu hiện bệnh ở mắt.
Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua đã tiếp nhận và điều trị cho không ít các trường hợp trẻ tự gây thương tích cho bản thân. Theo các bác sĩ: trước và sau mỗi kỳ thi quan trọng, tình trạng trẻ tự gây thương tích nhập viện có xu hướng gia tăng.
Một trung tâm trị liệu tại Seoul, Hàn Quốc đang thu hút sự chú ý với phương pháp độc đáo - sử dụng cám gạo lên men kết hợp với thảo dược để tạo nhiệt, giúp giảm đau nhức cơ thể và căng thẳng.
Khi thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí thay đổi thất thường sẽ dễ khiến thức ăn ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế kêu gọi các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng, đặc biệt là tiêm vét vắc xin sởi và khuyến khích người dân tiêm vắc xin phòng cúm.
Cùng nhau rèn luyện, nâng cao thể lực, sức khỏe dẻo dai và sống vui, sống có ích là “phương châm hành động” của các thành viên Câu lạc bộ sức khoẻ ngoài trời quận Hà Đông, Hà Nội.
0