Bệnh nhân lao đao khi bệnh viện 'sợ đấu thầu'


Tháng 3/2022, anh Nguyễn Xuân Trường (Gia Lâm – Hà Nội) phải thực hiện đợt truyền hóa chất theo lịch định kỳ. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện, anh Trường được thông báo loại thuốc trong danh mục được bảo hiểm chi trả 50% của bệnh viện đã hết và lịch của anh chưa thực hiện được. Anh ngậm ngùi trở về để đợi lần truyền của tháng sau.
Tháng 4/2022, 2 lần liên tiếp, anh Trường đến bệnh viện nhưng cũng đành phải trở về vì bệnh viện vẫn đang chờ thuốc. "Điệp khúc" hết thuốc lại lặp lại khi anh đến viện vào đầu tháng 5/2022.
“Tôi được xác định u phổi cách đây 3 năm, được chỉ định truyền hóa chất hàng tháng. Cứ cách 20 ngày, tôi phải truyền một lần. Mỗi lần bỏ qua đợt điều trị, về nhà tôi cảm nhận cơ thể rất mệt, người yếu đi, đi lại trong nhà thôi cũng phải gắng sức. Tôi đành phải chờ cho đến khi bệnh viện có thuốc thì quay trở lại điều trị tiếp” – anh Trường nói.
Còn bà N.B.L bị tiểu đường đã 15 năm nay. Hàng tháng, bà vẫn đi khám định kỳ để lấy thuốc theo BHYT. Tuy nhiên, gần đây, bà L phải tự mua một số loại thuốc trong đơn. Bà L. chia sẻ: “Bình thường, tôi vẫn được phát thuốc Insulin theo chế độ BHYT nhưng tháng vừa qua, tôi phải đi mua ngoài vì bệnh viện trả lời chưa có”.
Chúng tôi gặp một bệnh nhân khác tại một bệnh viện ở Hà Nội - bà H. bị giãn tĩnh mạch chi đã 10 năm. Điều trị nội khoa không đỡ, tình trạng của bà đã được các bác sĩ chỉ định mổ nhưng hiện tại phải chờ 1-2 tuần nữa vì bệnh viện đang thiếu vật tư.
Đây chỉ là 3 trong nhiều bệnh nhân mắc những căn bệnh nan y và mãn tính đang phải chịu đựng đau đớn, chờ đợi trong lo lắng không biết khi nào thì bệnh viện có thuốc.

Một bác sĩ chia sẻ với phóng viên Đài Hà Nội, tình trạng bệnh nhân phải chờ mổ do thiếu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm đang xảy ra tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và Hà Nội. Hiện tại, các bệnh viện sẽ chỉ ưu tiên cho các trường hợp mổ cấp cứu. Nhiều người bệnh đau đớn không chờ đợi được, buộc phải lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân để thực hiện phẫu thuật.
Thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất… không chỉ là câu chuyện của 1-2 bệnh viện mà là của rất nhiều các bệnh viện trên toàn quốc. Điều này xuất phát từ thực trạng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu ở lĩnh vực y tế, một phần do các cán bộ y tế thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về đấu thầu.
Đối với các bệnh viện tại Hà Nội, trước tháng 9 năm 2019, việc mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế được thực hiện theo hình thức mua sắm tập trung. Theo đó, Trung tâm mua sắm tài sản công thuộc Sở Tài chính sẽ tổ chức đấu thầu, các đơn vị căn cứ theo hợp đồng khung ký hợp đồng mua sắm. Nhưng sau tháng 9/2019, thành phố loại bỏ trang thiết bị y tế khỏi danh mục mua sắm tập trung nên các bệnh viện, cơ sở y tế phải tự đấu thầu mua sắm theo phân cấp thẩm quyền như hàng hóa thông thường.
Thế nhưng, trong bối cảnh tâm lý của cán bộ y tế đang bị tác động mạnh, hệ thống luật pháp với các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế chưa hoàn chỉnh như hiện nay, liệu các cán bộ quản lý của các bệnh viện có vượt qua áp lực “nếu làm thì dễ sai”?
Chính sự e ngại này dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ về quyền lợi mà đáng lẽ ra các bệnh nhân được hưởng thụ khi đã đóng bảo hiểm y tế. Và hơn thế, nó còn đè nặng lên tâm lý các cán bộ ngành Y - trong đó có cả các nhà quản lý và cán bộ làm chuyên môn.

Ngày 25/5, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thẳng thắn bày tỏ thực tế, các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc men, trang thiết bị, việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân không bảo đảm. "Đây là việc tôi cho rằng rất cấp bách, cần trao đổi để có giải pháp tức thì", ông Mãi nêu.
Như vậy, tâm lý sợ mua sắm, đấu thầu là do đâu?
Theo chia sẻ từ một cán bộ lâu năm của ngành Y tế Hà Nội, tại các bệnh viện hiện nay đều có Hội đồng Thuốc và Điều trị gồm các bác sĩ giỏi với nhiệm vụ là đánh giá, tiên liệu mô hình bệnh tật để lập kế hoạch về thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất cho bệnh viện hàng năm. Kế hoạch này thường phải xây dựng từ tháng 8 - đến tháng 10 để chuẩn bị cho năm sau.
Tuy nhiên, trên thực tế, giữa việc tiên lượng và diễn biến bệnh tật lại luôn luôn “vênh nhau”. “Bệnh viện không thể chủ động được về mô hình bệnh tật, không thể biết được tháng này có bao nhiêu bệnh nhân bị tai nạn giao thông phải nhập viện mổ, bao nhiêu bệnh nhân phải điều trị vì các bệnh truyền nhiễm... Nhất là khi dịch bệnh bùng phát, xảy ra bất thường, bệnh viện dễ rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất.

Khi đó, nhiều bệnh viện sẽ không thể thực hiện một gói thầu riêng lẻ đáp ứng nhu cầu cho một vài bệnh nhân. Muốn mua sắm phải thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục lựa chọn nhà thầu. Nếu mua sắm nhỏ lẻ, nhiều lần giống nhau, bằng hình thức chỉ định thầu để đáp ứng yêu cầu phát sinh thì vi phạm quy định của Luật Đấu thầu về hành vi bị cấm chia lẻ gói thầu” – cán bộ này cho biết.
Thêm nữa, một bất cập khác, đó là thời hạn có kết quả đấu thầu. Thời hạn tối thiểu các khâu trong lựa chọn nhà thầu không thể rút ngắn. Đối với các cơ sở y tế được giao mức độ tự chủ hoàn toàn, tự quyết định việc mua sắm, có thể chủ động được thời gian thực hiện từ khi có chủ trương mua sắm đến khi ký hợp đồng.
Nhưng đối với các cơ sở chưa tự chủ hoặc các gói thầu phải trình cấp trên phê duyệt, thì ngoài thời gian thực hiện mua sắm đấu thầu đơn vị không thể chủ động rút ngắn được, nhất là khâu thẩm định giá. Điều này dẫn đến tình trạng cả bệnh viện và bệnh nhân đều phải chờ đợi. Nhưng đáng nói, ngay cả ở khâu này cũng rất nhiều rủi ro. Bởi gần đây nhất là đơn vị có năng lực thẩm định giá hiện nay là Công ty liên doanh TNHH Tư vấn y tế Mediconsult Việt Nam cùng hàng loạt đơn vị thẩm định giá khác cũng bị khởi tố vì sai phạm trong đấu thầu.

Khẳng định một lần nữa vấn đề này, tại kỳ họp Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Định nhấn mạnh, hiện nay việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. “Vấn đề đặt ra là sau “cơn bão lớn”, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết”.
Luật Đấu Thầu thì đã có nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế thì chậm ban hành hoặc có nội dung tại văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Chính điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư, tiêu hao, đến mức tại một số bệnh viện, y bác sĩ phải tự bỏ tiền mua những vật tư tối thiểu như găng tay, trong khi đồng lương cán bộ ngành y vốn đã ít ỏi, không đủ trang trải cho cuộc sống.

Để gỡ khó cho vấn đề này, tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, hướng dẫn, quy định cụ thể hơn, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các bệnh viện thực hiện việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, đồng thời tránh tình trạng tham nhũng, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
Quay trở lại câu chuyện của anh Nguyễn Xuân Trường sau 4 lần ngưng truyền hóa chất. Mới đây nhất, anh phát hiện khối u phổi đã di căn xuống đại tràng và ruột non. Anh Trường biết, mình sẽ phải chờ đợi đợt truyền hóa chất tiếp theo. Nhưng có một điều anh không chắc, liệu các tế bào di căn có chờ đợi cùng anh hay không?

Bài & ảnh: Nguyễn Thủy - Trà My
Đồ họa: Thanh Nga


Trên bốn đoạn cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nha Trang mới thông xe, các loại ô tô sẽ được chạy tối đa 90 km/h và tối thiểu 60 km/h.
Theo thông tin mới được công bố bởi Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 dự kiến sẽ thuận lợi tại nhiều điểm du lịch trên cả nước.
Các cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia đã có mặt tại tỉnh Bình Dương ngày 21/4 để chuẩn bị cho lễ diễu binh, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa tổ chức Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2025 dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nhiều quận trung tâm Hà Nội xuất hiện mưa rào và dông vào chiều 21/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả sớm lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 5, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vui đón dịp lễ 30/4 - 1/5.
0