Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời
Cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” tái hiện ký ức về một Hà Nội rất xưa, trong đó thể hiện văn hóa ẩm thực nơi đây qua từng thời kỳ.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nhà khảo cổ học - Tiến sĩ Vũ Thế Long luôn dành tình yêu sâu nặng cho Hà Nội cũng như văn hóa Hà Nội, đặc biệt là văn hóa ẩm thực Hà Nội. Chuyên ngành công tác giúp ông có điều kiện nghiên cứu thực địa suốt nhiều thập kỷ về phong cách ăn uống của người Hà Nội.
Cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long đã giành giải thưởng Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc. Tác giả đã có sự kết hợp giữa những văn bản, hiện vật khảo cổ học với tư liệu “sống” từ các cụ ông, cụ bà thế hệ trước, cho đến những trải nghiệm cá nhân, đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực và bản sắc văn hóa Hà Nội.
Cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” không những là bức tranh đa sắc về văn hóa ẩm thực, mà còn là ký ức về một Hà Nội rất xưa. Tiến sĩ Vũ Thế Long đã đi qua nhiều vùng đất khác nhau để ghi chép lại nhiều mảnh ký ức về cuộc sống, về văn hóa ẩm thực Hà Nội qua từng thời kỳ.
Phóng viên: Thưa ông, được biết cuốn sách "Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời" đã giành giải Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc, ông có thể chia sẻ đôi nét về cuốn sách này?
Nhà khảo cổ học - Tiến sĩ Vũ Thế Long: Hồi tôi làm ở Ban nghiên cứu con người và môi trường của Viện khảo cổ học thì có nghiên cứu nhiều vấn đề. Trong đó có một chủ đề rất thú vị là lịch sử ăn uống của con người từ xưa đến nay. Ví dụ, người dân các nước ở Đông Nam Á thì có cách ăn uống cách đây hàng vạn năm thế nào? Thế rồi con người sống trong môi trường đất nước Việt Nam từ Bắc vào Nam thì ăn cái gì, ăn thế nào, ăn làm sao? Đấy là một mảng về lịch sử văn hóa rất đáng để quan tâm. Mình nghiên cứu xong rồi ghi chép lại, dần dần tập hợp lại được khá nhiều tư liệu. Sau đó, quyển sách này được một bạn người Trung Quốc dịch ra tiếng Trung. Tôi muốn quyển sách này như là một chất keo gắn tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Trung. Nếu dịch sang những thứ tiếng khác thì tôi sẵn sàng đóng góp và chia sẻ với mọi người như là một người Hà Nội luôn muốn cởi mở, muốn đem lại niềm vui cho tất cả mọi người.
Phóng viên: Văn hóa ẩm thực và nếp sống đã có sự thay đổi như thế nào qua từng thời kỳ?
Nhà khảo cổ học - Tiến sĩ Vũ Thế Long: Ẩm thực "tứ đại đồng đường" là ẩm thực truyền thống từ ngày xưa. "Tứ đại đồng đường" tức là bốn thế hệ cùng ở chung một nhà, cùng ăn cơm chung với nhau và mâm cơm có cả cụ, kỵ đến con cháu sau này, kể cả trẻ mới đẻ. Ngày xưa các bữa ăn của gia đình đông con thì ưu tiên cho các cụ già, ưu tiên các cụ ông chứ không phải các cụ bà. Thời phong kiến là cụ bà ngồi dưới bếp, còn cụ ông ngồi trên sập. Trong bữa ăn, cô con dâu phải chăm sóc những chuyện điển hình như: các cụ không ăn cơm cháy, chăm lo thực đơn... Bây giờ thì chế độ gia trưởng giảm dần đi, "tứ đại đồng đường" gần như cũng không còn nữa.
Phóng viên: Ông có mong muốn hay lời nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ, để có thể vừa tiếp thu cái mới của thời đại, vừa giữ gìn được nét đẹp của ẩm thực Hà Nội xưa?
Nhà khảo cổ học - Tiến sĩ Vũ Thế Long: Tôi muốn thế hệ trẻ ngày càng tự do hơn và các bạn ấy thông minh hơn tôi nhiều. Các bạn làm nhiều thứ giỏi lắm. Tôi không muốn các bạn trở thành "ông cụ non". Có những người cao tuổi nhưng mà "trẻ" lắm. Có những bạn trẻ mới lớn tí nhưng lại tưởng như "ông cụ". Tôi thích tinh thần trẻ và những gì đổi mới, vươn mình lên cho khỏe mạnh hơn, cường tráng để làm chủ đất nước. Ẩm thực cũng cần phải được mở rộng, giữ gìn truyền thống nhưng vẫn phải mở rộng và chống lại những gì độc hại.