Mức giãn cách các bậc thuế thu nhập cá nhân quá thấp
Nhiều người lao động không muốn tăng lương dù phải vật lộn với chi phí sống ngày càng tăng cao, bởi chỉ cần lương tăng thêm một chút là phải đóng thuế cao hơn hẳn.
Tình trạng trên là một bất cập lớn, hệ quả của việc biểu thuế thu nhập cá nhân hiện hành có mức giãn cách giữa các bậc quá thấp.
Anh Nguyễn Đỗ Duy Hưng (phường Thanh Liệt) là một sinh viên mới ra trường, đi làm tại Hà Nội. Chưa kịp ăn mừng vì tháng vừa rồi được lên lương, Hưng nhận ra số tiền mình nhận lại vẫn giống như trước đó do phải đóng thêm thuế. Anh Nguyễn Đỗ Duy Hưng chia sẻ: “Khi mới đi làm, thu nhập của tôi là 9 triệu đồng/tháng, sau nhiều tháng cố gắng, giờ đã tăng lên 11 triệu. Thế nhưng sau khi trừ thuế và các loại chi phí, lương của tôi nhận được thực ra cũng gần bằng mức 9 triệu trước đây mà công việc còn bị làm nhiều hơn”.
Theo quy định hiện hành, thu nhập chịu thuế được chia thành 7 bậc, với mức giãn cách từ 5-80 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc thấp lại quá gần nhau, khiến người có thu nhập trung bình đã phải chịu mức thuế tương đương với người thu nhập khá. Nhiều chuyên gia tài chính nhận định rằng, biểu thuế thu nhập cá nhân hiện nay cần được sửa đổi theo hướng giãn rộng khoảng cách giữa các bậc thuế, đặc biệt là các bậc đầu.
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho hay: “Ở các nước khác trong khu vực, cụ thể là Philipines, bậc thuế mà phải đóng cao nhất là cao gần gấp bốn lần so với Việt Nam. Như vậy là mức chênh quá lớn, đã đến lúc cần điều chỉnh bậc thuế cho phù hợp”.
Biểu thuế thu nhập cá nhân hiện hành, với mức giãn cách quá thấp giữa các bậc thu nhập, đang khiến người lao động chịu thiệt thòi. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh biểu thuế theo hướng công bằng, hợp lý hơn, để thuế thực sự là công cụ điều tiết thu nhập – chứ không trở thành rào cản cho những người đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.