Mở rộng cho thuê tài chính, tiếp sức doanh nghiệp phát triển

Cho thuê tài chính (leasing) là kênh huy động vốn linh hoạt, giúp doanh nghiệp tiếp cận máy móc, thiết bị mà không cần tài sản thế chấp.

Thay vì vay ngân hàng, doanh nghiệp có thể đề xuất công ty tài chính mua tài sản và cho thuê lại, với lãi suất tương đương khoản vay trung, dài hạn. Đây được đánh giá là giải pháp tối ưu, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp đặc thù có tài sản giá trị lớn nhưng khó thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, khung pháp lý hạn chế, thiếu nguồn vốn dài hạn và rào cản niềm tin đang khiến thị trường này chưa phát triển tương xứng tiềm năng.

Thay vì bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư, Công ty Chứng nhận và kiểm định VinaControl chỉ cần đề xuất danh mục máy móc, nhà cung cấp và mục đích sử dụng để công ty tài chính mua và cho thuê lại. Sau 3-5 năm trả gốc, lãi, doanh nghiệp sở hữu tài sản. Điểm đáng nói là doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp như vay vốn ngân hàng.

Ông Đỗ Thịnh Thắng - Giám đốc Công ty Chứng nhận và kiểm định VinaControl chia sẻ: “Với những ngành nghề đặc thù, tài sản giá trị rất lớn, ví dụ trong lĩnh vực của chúng tôi có những trang thiết bị rất nhỏ, đôi khi hàng cầm tay làm hiện trường thôi nhưng giá vài tỷ, đắt ngang một chiếc xe sang. Nhưng để làm tài sản thế chấp thì rất khó, ngân hàng phát mại tìm đối tác mua rất khó, đối tác sẽ ép giá và ngân hàng không thu hồi được vốn”.

Tuy nhiên, hơn 15 năm qua, chưa có công ty cho thuê tài chính nào được cấp phép mới; đồng thời, nguồn vốn của các công ty cho thuê tài chính chủ yếu phụ thuộc ngân hàng nên vẫn khó khăn để mở rộng, phát triển.

Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính BIDV SuMi-Trust cho hay: “Quy định của Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính chỉ được vay ngân hàng thương mại dưới 12 tháng. Trong khi chúng tôi cấp tín dụng đầu ra trên 12 tháng. Theo Luật Tổ chức tín dụng mới, các công ty cho thuê tài chính được phát hành trái phiếu từ doanh nghiệp, chứ chưa được phát hành trái phiếu ra công chúng. Tôi nghĩ trong tương lai, cần thiết mở kênh phát hành trái phiếu cho các công ty cho thuê tài chính”.

Một vấn đề khác khiến các công ty cho thuê tài chính chưa phát triển mạnh mẽ là niềm tin thị trường còn hạn chế.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu cho biết: “Chương trình leasing này rất phổ biến tại các nước tiên tiến, đặc biệt là ở Mỹ. Ở Việt Nam, leasing đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa thực sự phổ biến, do thiếu sự tin tưởng giữa hai bên: bên cho thuê (lessor) và bên đi thuê (lessee). Nhiều trường hợp tại Việt Nam, bên thuê - tức lessee, sau khi thuê trang thiết bị lại đem bán đi, dù không sở hữu, dẫn đến gian lận và không trả lại thiết bị cho bên cho thuê. Đây là một thực trạng còn xảy ra”.

Ở nhiều quốc gia, số công ty tài chính thường nhiều gấp 10 lần ngân hàng thương mại. Nếu Việt Nam đạt tỷ lệ này, có thể thành lập 400 công ty cho thuê tài chính, mở rộng quy mô dư nợ lên 300 - 500 ngàn tỷ đồng sau 5 năm. Khi đó, dịch vụ cho thuê tài chính sẽ thực sự trở thành kênh tiếp sức mạnh mẽ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời