Gói trừng phạt của EU nhằm vào Nga: 'Bình mới rượu cũ'?

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga liên quan đến xung đột Ukraine, với loạt biện pháp nhắm vào ngành năng lượng và ngân hàng, song hiệu quả vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Sau 2 tháng trải qua bất đồng nội bộ, vào cuối ngày 18/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga liên quan đến xung đột Ukraine, với loạt biện pháp nhắm vào ngành năng lượng và ngân hàng của Nga. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, cho biết đây là một trong những gói trừng phạt mạnh tay nhất dành cho Nga mà khối này đã thông qua cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp này như thế nào vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Theo các nguồn tin, gói trừng phạt mới thứ 18 của EU nhằm vào Nga cấm mọi giao dịch với 22 ngân hàng Nga và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, đồng thời cấm sử dụng hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream – vốn đã bị phá hỏng bởi các vụ nổ dưới biển năm 2022 và hiện vẫn chưa thể vận hành trở lại.

Một điểm mới đáng chú ý trong gói trừng phạt lần này là việc nâng cấp cơ chế áp giá trần đối với dầu thô Nga. Thay vì cố định ở mức 60 USD/thùng như trước đây, cơ chế mới sẽ linh hoạt hơn và luôn được điều chỉnh thấp hơn 15% so với giá trung bình của thị trường thế giới. Mức giá mới được đưa ra hiện nay là 47,6 USD/thùng.

Bên cạnh đó, danh sách đen các tàu chuyên vận chuyển dầu Nga nhằm né tránh các lệnh trừng phạt – được gọi là “hạm đội bóng đêm” – cũng sẽ mở rộng thêm 105 tàu, nâng tổng số tàu bị cấm tiếp cận cảng và dịch vụ của EU lên hơn 400. Lệnh trừng phạt cũng sẽ áp dụng đối với một nhà máy lọc dầu do Nga sở hữu tại Ấn Độ và hai ngân hàng Trung Quốc, khi EU tìm cách hạn chế mối quan hệ của Moscow với các đối tác quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barro cho biết: “Sự hỗ trợ này bao gồm việc tiếp tục cung cấp vũ khí để Ukraine có thể tự vệ, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt hơn đối với Nga nhằm làm cạn kiệt các nguồn lực cho phép nước này tài trợ cho cuộc chiến. Tôi rất vui mừng về việc gói trừng phạt nặng nề nhất kể từ năm 2022 vừa được Liên minh châu Âu phê duyệt nhằm tăng cường sức ép lên Nga”.

Nỗ lực của EU nhằm thông qua gói trừng phạt thứ 18 chống Nga từng vấp phải sự phản đối từ Slovakia, khiến tiến trình bị đình trệ. Tuy nhiên, Thủ tướng Slovakia Robert tiết lộ Ủy ban châu Âu đã đưa ra bảo đảm bằng văn bản với Slovakia, một trong những nước EU vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, về kế hoạch loại bỏ dần khí đốt Nga để thuyết phục nước này ủng hộ gói trừng phạt.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico phát biểu: “Chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong nỗ lực chống lại đề xuất vô lý của Ủy ban châu Âu về việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho EU sau ngày 1/1/2028. Tôi xin nhắc lại hàng nghìn lần. Đề xuất này mang tính hệ tư tưởng và những đề xuất được đưa ra do ám ảnh về Nga chủ yếu gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của toàn bộ EU, đặc biệt gây hại cho Cộng hòa Slovakia”.

Theo các chuyên gia, về mặt hình thức, gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga liên quan đến lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng có quy mô đáng chú ý. Tuy nhiên, về mặt nội dung, gói trừng phạt được EU gọi là “nghiêm ngặt nhất” nhằm vào Nga trên thực tế chỉ là sự lặp lại các biện pháp hiện có.

Ông Igor Rastorguev, một nhà phân tích hàng đầu tại AMarkets, nhận định gói trừng phạt này thiếu các giải pháp quan trọng mới, chẳng hạn như lệnh cấm vận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc việc ngắt kết nối thêm các ngân hàng Nga khỏi SWIFT. Trong khi việc EU nhất trí giảm đáng kể hạn ngạch dầu mỏ của Nga và tự mình thực hiện mà không cần sự đồng ý của Mỹ và các quốc gia G7 khác là dấu hiệu cho thấy một EU tự tin và độc lập hơn, thì hiệu quả của kế hoạch này sẽ còn phụ thuộc vào việc nó được tuân thủ như thế nào.

Ông Dmitry Kasatkin, đối tác quản lý của Kasatkin Consulting, cho biết trên thực tế, Nga và các khách hàng của nước này từ lâu đã chuyển sang giao dịch OTC với các khoản thanh toán ngoài khu vực đồng đô la và SWIFT, và một số giao dịch đã vượt quá mức trần. Trong khi đó, Mỹ và G7 vẫn chưa thống nhất về một ngưỡng cắt giảm mới. Nếu không có sự phối hợp với Washington, mức giá trần 47,6 USD vẫn chỉ mang tính chất khuyến nghị của EU, vốn không có hiệu lực pháp lý đầy đủ ở cấp độ toàn cầu.

Mặt khác, các lệnh trừng phạt đối với 105 tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng đêm” cũng chỉ là sự tiếp nối các hạn chế trước đó, với 189 tàu chở dầu trong gói trừng phạt thứ 17. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm gây khó khăn cho hoạt động hậu cần cung cấp dầu của Nga, nhưng hiệu quả thực sự của nó lại không phụ thuộc vào số lượng tàu bị đưa vào danh sách đen, mà là khả năng của EU và các nước G7 trong việc kiểm soát bảo hiểm, bảo trì và bốc xếp hàng hóa của các tàu này. Ngay cả khi một phần đội tàu bị loại bỏ, Nga vẫn sẽ tìm được phương án thay thế với giá cước tăng và chi phí hậu cần đắt đỏ hơn.

Trong khi đó, lệnh trừng phạt đối với Nayara Energy Limited, công ty sở hữu nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, là một bước đi tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể làm tăng giá xăng tại châu Âu, bởi Ấn Độ vốn là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho châu lục này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời