Những hình ảnh chân thực, dũng mãnh, khốc liệt nhưng cũng ngập tràn hân hoan về thời khắc lịch sử của hàng triệu người con đất Việt – ngày 30/4/1975 – ngày mà cả dân tộc “vui sao nước mắt lại trào”. Đó là những khoảnh khắc ánh lên quyết tâm sắt đá của một dân tộc kiên cường, mang trong mình khát vọng thống nhất mà không thể bị chia cắt bởi bất kỳ thế lực nào.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975). Ảnh: TTXVN.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh (tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN.

Đoàn công tác đặc biệt lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn vào tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN.

17h ngày 26/4/1975, Quân Giải phóng bắt đầu cuộc tổng tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn. Pháo binh đồng loạt khai hỏa vào các căn cứ, trận địa của địch. Các cánh quân hiệp đồng tiến công cùng với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân địa phương. Trong ảnh: Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” vào ngày 26/4/1975. Ảnh: TTXVN.

Ngay sau khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, quân Giải phóng đồng loạt tấn công trên nhiều hướng. Theo hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 sử dụng Sư đoàn 304 đánh mở màn vào căn cứ Nước Trong - Long Thành, đánh chiếm Đức Thạnh, Bà Rịa, Phước Tĩnh... Theo hướng Tây Nam, Sư đoàn 5 tung lực lượng đánh đường số 4 với mục tiêu chia cắt Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long. Theo hướng Bắc, Quân đoàn 1 bao vây căn cứ Phú Lợi, chặn sư đoàn 5 của địch từ Lai Khê - Bến Cát di chuyển về Bình Dương. Theo hướng Tây Bắc: Quân đoàn 3 bao vây, chia cắt lực lượng địch trên đường 22 và đường 1, không cho địch rút về Đồng Dù, Hóc Môn, từng bước giải phóng thị xã Tây Ninh. Trong ảnh: Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt đường 16 tiến về phía nội đô. Ảnh: TTXVN.

Ngày 27/4, quân Giải phóng bắt đầu áp sát Sài Gòn. Theo hướng Bắc, Quân đoàn 1 tấn công Chi khu Tân Uyên và sân bay Ông Lĩnh, đánh thông đoạn phía đông đường 16, mở đường đột phá sâu vào trung tâm Sài Gòn. Theo hướng Tây Bắc, Sư đoàn 316 tiếp tục đẩy lùi cuộc phản kích của địch. Theo hướng Đông, Sư đoàn 3 đánh chiếm thị xã Bà Rịa và huyện Xuyên Mộc. Theo hướng Đông Bắc, Quân đoàn 4 chiếm Trảng Bom, Suối Đỉa... Trung đoàn đặc công 113 đánh chiếm cầu Ghềnh và giằng co trên cây cầu này với địch đến 29/4 thì chiếm được hoàn toàn. Theo hướng Tây Nam, Sư đoàn 5 chia cắt hoàn toàn đường số 4. Trong ảnh: Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 đánh chiếm sân bay Ông Lĩnh - Bình Chuẩn, ngày 27/4/1975. Ảnh: TTXVN.

Từ đầu tháng 4/1975, các đơn vị bộ binh và xe tăng đã thần tốc đột phá Xuân Lộc - vị trí chiến lược được coi là “cánh cửa thép” - căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Cuối tháng 4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ hướng Đông Bắc được khai thông để quân Giải phóng tiến về Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Ngày 28/4, quân Giải phóng tiếp tục chọc thủng các cứ điểm phòng ngự của địch. Theo hướng Bắc, một tiểu đoàn địch cố thủ tại Tân Uyên đầu hàng. Theo đường 16, hướng tấn công của Quân đoàn 1 từ Tân Uyên đến Lái Thiêu được mở thông. Ở hướng Đông, Lữ đoàn đặc công 316 nổ súng chiếm cầu Rạch Chiếc với nhiệm vụ giữ cây cầu này làm lối mở cho xe tăng Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn. Trong ảnh: Lực lượng tăng thiết giáp của quân Giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, thẳng tiến về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt cứ điểm phòng ngự Biên Hòa. Ảnh: TTXVN.

Ngày 28/4, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên, nguyên Thủ tướng Nguyễn Bá Cần và nhiều sĩ quan, nhân vật cao cấp của chính quyền Sài Gòn tháo chạy ra nước ngoài. Tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống VNCH. Ông tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng lúc này Sài Gòn đã hoàn toàn bị bao vây. Trong ảnh: Hàng loạt xe tăng, xe bọc thép và phương tiện cơ giới của địch bị tiêu diệt trên đường quân Giải phóng tiến về Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Cũng trong ngày 28/4, biên đội 5 máy bay A37 do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) vượt qua hệ thống phòng không của Sài Gòn, không kích sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc không kích đã phá hủy nhiều máy bay của VNCH và cắt đứt cầu hàng không duy nhất của địch. Trong ảnh: Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN

Ngày 29/4, theo hướng Đông Bắc, Quân đoàn 4 đánh vào sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình. Trong khi đó ở hướng Tây Nam, mũi tấn công của Đoàn 232 vượt qua Long An, đánh vào Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô của địch. Trên hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 điều động Sư đoàn 320A tấn công căn cứ Đồng Dù từ sáng sớm. Giao tranh ác liệt đến trưa cùng ngày, quân Giải phóng chiếm được căn cứ Đồng Dù. Cùng ngày, Sư đoàn 316 chiếm chi khu Tràng Bảng, giải phóng Tây Ninh. Cánh cửa phía Tây Bắc Sài Gòn đã được mở. Trong ảnh: Bộ đội Sư đoàn 320A (Quân đoàn 3) đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975. Ảnh: TTXVN

Bộ Chỉ huy chiến dịch cho phép cánh quân phía Đông nổ súng đánh vào nội đô Sài Gòn lúc 18h ngày 29/4/1975, sớm hơn kế hoạch chung của chiến dịch 12 giờ. Trận tiến công vào nội đô Sài Gòn - Gia Định chính thức bắt đầu từ tối 29/4. Ở hướng Đông, Quân đoàn 2 nhanh chóng vượt cầu trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức và phía bắc cầu Rạch Chiếc, tiến thẳng vào thành phố. Trong ảnh: Sư đoàn 5 tập kích địch ở Quốc lộ 4 Bến Lức - Long An vào ngày 29/4, mở đường cho quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Đúng 5h30 sáng 30/4/1975, tất cả cánh quân đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn. Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh không quân và Bộ Tư lệnh sư đoàn dù của địch; Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu; Đoàn 232 đánh chiếm Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Hải quân; Quân đoàn 4 giải phóng thành phố Biên Hòa, tiến về chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và đài phát thanh; Quân đoàn 2 tiến về phía Dinh Độc lập. Trong ảnh: Lực lượng xe tăng Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) được nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên (Cao Thị Nhíp) dẫn đường tiến về phía sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN

Sân bay Tân Sơn Nhất là một trong một các mục tiêu chiến lược của đợt tổng tiến công cùng với Đài Phát thanh, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu và Nha Cảnh sát... của địch. Trong ảnh: Cờ Giải phóng tung bay tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Sáng 30/4/1975, các đơn vị của Sư đoàn 304 đã chính thức tiêu diệt toàn bộ cứ điểm căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai) của địch, mở rộng cửa ngõ cho quân Giải phóng thọc sâu tiếp cận các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Ở hướng tấn công của Quân đoàn 2, sau khi qua cầu Rạch Chiếc, Lữ đoàn xe tăng 203 tiến qua cầu Sài Gòn, giao tranh ác liệt với đơn vị phòng ngự của địch. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy xe tăng của đại đội 4 vượt qua cầu. Tại cầu Thị Nghè, địch vẫn ngoan cố chống cự nhưng thất bại. Xe tăng 843 và xe tăng 390 dẫn đầu lực lượng đột kích nhanh chóng vượt qua các ổ kháng cự, tiến về phía Dinh Độc Lập. Trong ảnh: Xe tăng và bộ binh quân Giải phóng trên đường phố nội đô Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Trưa ngày 30/4, xe tăng của Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) tiến vào Dinh Độc Lập. Bức ảnh này trở thành một trong những biểu tượng chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: TTXVN.

11h30 ngày 30/4/1975, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng 4 cùng 3 chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng – Thiết giáp 203 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) tiến vào cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Ảnh: TTXVN

Xe tăng và bộ binh của quân Giải phóng tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4. Ảnh: TTXVN

Từ 9h30 ngày 30/4/1975, Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đã tuyên bố trên đài phát thanh kêu gọi binh sĩ VNCH "ngưng nổ súng, ở đâu ở đó" để "bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự". Trưa cùng ngày, ông Dương Văn Minh được quân Giải phóng đưa tới Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tổng thống cuối cùng của VNCH tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam. Trong ảnh: Ông Dương Văn Minh tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30/4. Ảnh: TTXVN.

Trưa 30/4/1975, người dân Sài Gòn chào đón quân Giải phóng trước cửa Dinh Độc Lập. Ảnh: TTXVN.

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đến thắng lợi huy hoàng, trọn vẹn: Non sông thu về một mối, đất nước hòa bình và độc lập. Trong ảnh: Nhân dân mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản Thành phố ra mắt ngày 7/5/1975. Ảnh: TTXVN

Biên tập: Lê Bình

Thiết kế: Hoàng minh, Thanh Nga

Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường

© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội