

Hơn một tuần sau trận động đất 7,7 độ richter hôm 28/3, nhiều thành phố của Myanmar vẫn trong khung cảnh đổ nát, tang thương. Hậu quả của cơn đại địa chấn đang khiến đất nước này lâm vào khủng hoảng nhân đạo chưa từng có trong lịch sử.
Trận động đất được ví như “nhát dao lớn cắt vào trái đất” ở Myanmar xảy ra lúc 13h20’ ngày 28/3 theo giờ Việt Nam. Người dân Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh thành ở Việt Nam, nơi cách tâm chấn Sagaing của Myanmar 1.000 -1.500 km vẫn cảm nhận rõ dư chấn khi những chiếc đèn trần cùng vật dụng trong nhà rung lắc. Gần 350 căn nhà ở TP.HCM bị nứt tường do sóng địa chấn. Ảnh: Thein Zaw / AP
Một toà nhà 35 tầng đang xây dựng ở Bangkok – Thái Lan sụp đổ chỉ sau vài phút rung lắc. Nhiều bể bơi vô cực trên tầng nóc của các toà cao ốc ở thành phố này bất ngờ nổi sóng. Hàng trăm mét khối nước từ bể bơi vô cực trong một khách sạn ở Vân Nam – Trung Quốc trào ra như thác đổ, cuốn trôi hàng chục người. Ảnh: Athit Perawongmetha / Reuters.
Các tổ chức địa chất quốc tế xác nhận trận động đất xảy ra ở Myanmar có độ lớn 7,7 độ richter, tâm chấn ở độ sâu 10 km thuộc thành phố Sagaing – miền Trung nước này. Đường đứt gãy Sagaing kéo dài 1.200 km theo hướng Bắc – Nam, tạo sạt trượt ở hai mảng kiến tạo Ấn Độ và Sunda, giải phóng năng lượng tích tụ “tương đương 334 quả bom nguyên tử”. Đây cũng là trận động đất lớn nhất trong hơn 100 năm ở Myanmar, dư chấn ảnh hưởng hầu hết các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Ảnh: Thein Zaw / AP.
Cơn đại địa chấn lịch sử đẩy đất nước Myanamar lâm vào cuộc khủng hoảng kép bởi cuộc xung đột giữa chính quyền quân đội và lực lượng vũ trang bên trong lãnh thổ đất nước này đã kéo dài suốt 4 năm qua. Hàng vạn ngôi nhà, chùa chiền, tu viện và các công trình công cộng ở các thành phố lớn như Thủ đô Naypyidaw, Mandalay bị động đất san phẳng. Sân bay quốc tế ở hai thành phố này bị hư hại, phải tạm đóng cửa. Ảnh: Thein Zaw / AP.
Số người chết trong trận động đất ở Myanmar ban đầu được xác định khoảng 1.700 người, song đến thời điểm này con số lên đến hơn 3.000 và có thể gia tăng thời gian tới. Lò hoả táng, nghĩa trang quá tải với số người chết tăng lên từng ngày, trong khi người bị thương thiếu thốn thuốc men và cơ sở y tế điều trị. Ảnh: AFP
Ngày 30/3, hai chuyến bay mang số hiệu VJ2875 và VJ2877 cất cánh từ sân bay Nội Bài, Hà Nội chở 106 chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng chó nghiệp vụ và hơn 60 tấn hàng hoá cứu trợ, gồm thiết bị y tế, lương thực... đến thành phố Yangon, Myanmar. Bộ Quốc phòng Việt Nam sau đó tiếp tục tăng cường 30 y, bác sĩ sang Myanmar điều trị cho các nạn nhận vụ động đất. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân
Sân bay Yangon là cửa ngõ duy nhất tiếp nhận các đoàn cứu nạn, cứu hộ cùng hàng cứu trợ từ các nước và tổ chức quốc tế. Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Thái Lan, Maylaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ… là những nước cử lực lượng cứu nạn, cứu hộ sang Myanmar ngay sau khi xảy ra động đất. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân
Tuy nhiên, việc cứu nạn, cứu hộ, vận chuyển hàng hoá cứu trợ rất khó khăn do giao thông bị chia cắt, đường sá hư hỏng… Trong ảnh là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất dài 600km, được khánh thành cách đây 6 năm với bốn làn xe, chạy qua khu vực đồng bằng và đồi núi, kết nối cố đô Yangon với thủ đô Naypyidaw. Ảnh: AP.
Chính quyền địa phương cùng các đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc tế đang khẩn trương khắc phục giao thông để chuyến xe của các đoàn cứu trợ có thể tiếp cận sớm các vùng thiệt hại nặng nề, trong đó có thủ đô Nayvyidaw và thành phố Mandalay. Trên tuyến đường cao tốc bị hư hại, nhiều đoàn thiện nguyện chở hàng cứu trợ di chuyển từ Yangon tới các thành phố miền Trung: Naypyidaw, Mandalay, Sagaing… Ảnh: Quốc Dũng / Đài Hà Nội.
Theo ghi nhận của nhóm PV Đài Hà Nội đang có mặt tại Myanmar, thời điểm này vẫn có hàng ngàn người dân ở Naypyidaw, Mandalay, Sagaing… phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất” trong các lều trại tạm trên vỉa hè. Nhiều người mất nhà cửa song cũng có nhiều người lo ngại tiếp tục động đất nên di tản ra vỉa hè sinh sống. Trong ảnh: Phóng viên Bá Đức bên những đứa trẻ trong lều trại ven đường tại Mandalay. Ảnh: Quốc Dũng / Đài Hà Nội.
Ottara Thirri, bệnh viện tư nhân lớn nhất ở thủ đô Naypyidaw quy mô 150 giường, giờ chỉ là một đống đổ nát vùi lấp khoảng 20 người. Lực lượng cứu nạn, cứ hộ Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng 6 chú chó nghiệp vụ trong nhiều ngày chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích và đưa thi thể các nạn nhân ra bên ngoài. Tuy nhiên, khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập khi kết cấu tòa nhà yếu có thể sập bất cứ lúc nào, trong khi không có máy xúc, máy đào để phá vỡ cấu kiện, mở đường vào bên trong. Ảnh: Thanh Vân / Đài Hà Nội.
Phóng viên Nam Sơn, Đài Hà Nội tác nghiệp tại hiện trường Bệnh viện Ottara Thirri trong nhiều ngày. Ảnh: Thanh Vân / Đài Hà Nội.
Lúc 11h30 trưa 2/4, sau khi các chú chó nghiệp vụ tìm thấy hai chiếc ví, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn chỉ huy nhiều cán bộ, chiến sĩ vào bên trong hiện trường đưa hai thi thể ra bên ngoài. Trong ảnh: Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, Đội tìm kiếm cứu nạn, Khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cùng chó nghiệp vụ VAT tìm kiếm người mất tích tại Bệnh viện Ottara Thirri. Ảnh: Thanh Vân / Đài Hà Nội.
Trong nắng nóng liên tục trên 40 độ C của miền Trung Myanmar cùng mùi tử khí bao trùm, những người lính Việt Nam vẫn tận tụy, quả cảm rà tìm từng m2 để đưa người bị nạn ra khỏi đống đổ nát. Tính đến ngày 4/4, lực lượng cứu nạn, cứu hộ quân đội Việt Nam đã đưa được 12 thi thể ra khỏi bệnh viện Ottara Thirri và cứu sống một nạn nhân 26 tuổi bị mắc kẹt sau 5 ngày động đất. Ảnh: Thành Đạt / Báo Nhân dân.
Những chú chó của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam được ví như những người hùng “không huy chương” trong tìm kiếm người mất tích trong nhiều trận thiên tai trong nước và động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi tín hiệu, mỗi tiếng sủa là cơ hội giữ lại sự sống hoặc khép lại nỗi mong chờ tuyệt vọng của thân nhân người bị nạn. Lần này, những quân khuyển tiếp tục lập nên chiến công khi phát hiện ra nhiều nạn nhân trong đống đổ nát ở bệnh viện Ottara Thirri. Trong ảnh: Phóng viên Thanh Vân của Đài Hà Nội bên chú chó VAT, “chiến binh” dày dạn kinh nghiệm, quả cảm nhất của đội chó nghiệp vụ quân đội Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt / Báo Nhân dân.
Ở bên ngoài bệnh viện, người thân của các nạn nhân mong ngóng tin tức và đặt tất cả hy vọng vào người lính Việt Nam. Họ dành tình cảm cho các chiến sĩ bằng cái nắm chặt tay, một ánh mắt biết hơn hay đôi khi chỉ là những nải chuối nhỏ. Ảnh: Thanh Vân / Đài Hà Nội.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an tổ chức tìm kiếm người mất tích tại khách sạn Jade City, tại thị trấn Poke Ba Thiri, thủ đô Naypyidaw. Tính đến ngày 4/4, cán bộ chiến sĩ Công an Việt Nam đã đưa được 7 thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường đổ nát. Ảnh: Thành Đạt / Báo Nhân dân.
Chiếc kìm thủy lực này được các các chiến sĩ công an gọi là "chiến thần" trong chiến dịch cứu nạn cứu hộ tại Myanmar. Ảnh: Thành Đạt / Báo Nhân dân.
Chai nước lật ngược này được các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ Công an Việt Nam đặt tại rất nhiều địa điểm ở hiện trường để phát hiện rung chấn trong các tòa nhà có nguy cơ đổ sập. Đây là kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn cứu nạn của Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt / Báo Nhân dân.
Mandalay cách tâm chấn Sagaing chỉ 30km nên thiệt hại không thể đong đếm hết. Người dân nơi đây không chỉ sống trong tâm trạng lo sợ động đất trở lại, mà đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch, thực phẩm, thuốc men và bệnh dịch tả nguy cơ bùng phát. Ảnh: Bá Đức / Đài Hà Nội.
Hằng ngày ở thành phố vẫn có những đoàn cứu trợ lập địa điểm cấp phát nước sạch và thực phẩm. Nhưng số lượng này như muối bỏ biển so với nhu cầu thực tế. Ảnh: Bá Đức / Đài Hà Nội.
Ngay sau trận động đất, cộng đồng người Việt Nam đã thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tổ chức đi cứu trợ người dân ở nhiều nơi trong thành phố Mandalay. Trong ảnh: Phóng viên Quốc Dũng - Đài Hà Nội cùng cộng đồng người Việt đi phát đồ cứu trợ. Ảnh: Bá Đức / Đài Hà Nội.
Từ sáng sớm, nhóm thiện nguyện của chị Chu Nguyệt đã tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm, phân phát nước sạch và lương thực cho người dân thành phố Mandalay. Ảnh: Bá Đức / Đài Hà Nội.
Cuộc tái thiết đất nước Myanmar sẽ là chặng đường dài, nhất là khi tiếng súng của cuộc nội chiến mới chỉ tạm ngừng trong 7 ngày để các bên tổ chức khắc phục hậu quả của cơn đại địa chấn. Màn đêm buông xuống, trên vỉa hè Mandalay chỉ có ánh đèn le lói hắt ra từ các túp lều tạm bợ và người dân vẫn choàng tỉnh trước mỗi cơn rung lắc hậu động đất. Ảnh: Stringer / Reuters.
Phóng viên đưa tin từ Myanmar:
Thanh Vân - Nam Sơn - Bá Đức - Quốc Dũng
Biên tập: Minh Hoàn
Thiết kế: Hoàng Minh - Thanh Nga
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội