


Với tinh thần "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển", năm 2024 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo. Chủ động đề xuất Trung ương và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển Thủ đô. Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Hà Nội.
Công tác xây dựng Đảng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, sáng tạo, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao.
Công tác tuyên giáo được quan tâm thực hiện tốt, tích cực tham mưu cấp ủy đảng các cấp xây dựng ban hành các chủ trương, định hướng lớn về lĩnh vực tư tưởng, chính trị. Hà Nội gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tiếp tục là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Thành phố, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương thực hiện các định hướng chỉ đạo mới của Trung ương.
Tiên phong, dẫn đầu cả nước về công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Có 11.144 đảng viên mới được kết nạp, đứng thứ 2 cả nước; phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đứng đầu cả nước. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực tổ chức xây dựng đảng, đảng viên; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Chi bộ bốn tốt” (trên 97% chi bộ được công nhận “Chi bộ 4 tốt”).
Công tác kiểm tra giám sát thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được triển khai theo đúng quy định. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên. Ngày 20/11/2024, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Quan tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo chỉ đạo về công tác dân vận; phát huy vai trò của hệ thống dân vận trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố.
Hoạt động của HĐND các cấp Thành phố tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là “điểm sáng”, “hình mẫu” tiêu biểu trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố. Công tác xây dựng chính quyền các cấp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh, qua đó năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền từng bước được nâng lên.Tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố tới cơ sở được đổi mới, ngày càng thiết thực, hướng mạnh về cơ sở.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài khẳng định năm 2024, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; nhưng trong bối cảnh đó, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Cũng tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng, cả hệ thống chính trị của Thành phố sẽ quyết tâm, phấn đấu với tinh thần hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, chuẩn bị điều kiện để Thủ đô cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp lần thứ 20 của HĐND, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: "Thành phố đã nghiêm túc, khẩn trương trong triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là quán triệt và triển khai hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm để Thủ đô vững bước cùng đất nước phát triển nhanh, bền vững, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”

Ngày 28/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Thủ đô phát huy quyền tự chủ, tháo gỡ các nút thắt trong quản lý, huy động nguồn lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững… Đây là cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu:
Đến năm 2030,Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045,Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Sáng 28/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 462/470 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 95,06%.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi các đại biểu bấm nút thông qua.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xóa bỏ nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng. Đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.

Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg về phê duyệtĐiều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được xây dựng với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, kết nối toàn cầu; xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đây là kim chỉ nam để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố toàn cầu, đô thị sáng tạo, trung tâm hàng đầu về kinh tế số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới để phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Theo quy hoạch và định hướng phát triển, đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng
Thủ đô Hà Nội sẽ dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp công nghệ cao, có sức cạnh tranh cao, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị và mạng lưới phân phối toàn cầu.
Phát triển văn hóa, xã hội là một trong những mục tiêu đột phá khi thực hiện Quy hoạch Thủ đô nhằm bảo tồn, tôn tạo, khai thác, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, lịch sử, nâng tầm di sản bằng công nghệ số; hình thành các không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Cầu Trần Hưng Đạo với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng dự kiến khởi công năm 2025, cùng với những cây cầu khác giúp kết nối hai bên bờ sông Hồng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô đặt mục tiêu phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được chuẩn bị công phu, sáng tạo, linh hoạt; tổ chức trang trọng, quy mô, có điểm nhấn, lan tỏa sâu rộng từ thành phố đến cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nổi bật là: Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với hơn 1,3 triệu lượt thí sinh trên toàn quốc tham gia; Chương trình nghệ thuật chính luận “Hà Nội - Bản hùng ca phố” tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long; Chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh”; “Lễ hội Hòa bình” được tổ chức tại không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm với quy mô lớn nhất, cách thức tổ chức sáng tạo, người dân là chủ thể của Lễ hội…
Sự thành công của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã tạo không khí sống động, lan tỏa mạnh mẽ niềm tự hào, kiêu hãnh về Thủ đô Hà Nội ngàn năm Văn hiến, Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo…, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo niềm tin về tương lai tươi sáng của Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên phát triển mới.
Chuỗi sự kiện kỷ niệm không chỉ khắc sâu trong lòng người dân Thủ đô mà còn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế Hà Nội - Thành phố Hòa bình, Thành phố sáng tạo nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
9h ngày 10/10/2024, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã diễn ra trang trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thành phố Hà Nội với sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu. Đây là chương trình với quy mô cấp quốc gia, là hoạt động chính, quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn mang tên “Hà Nội - Ngày trở về chiến thắng”, tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến về Giải phóng Thủ đô được diễn ra hào hùng, đầy cảm xúc tại khu vực hồ Hoàn Kiếm trong chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Những hình ảnh không chỉ gợi nhớ thời khắc lịch sử hào hùng của Thủ đô mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng hòa bình trong tâm thức mỗi người. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, những ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai, bão lũ gây ra, năm 2024, Thành phố Hà Nội đã quyết liệt, trách nhiệm cao thực hiện các giải pháp hiệu quả để vượt qua thách thức.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện nay, GRDP của Thủ đô đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6,27%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt gần 470.000 tỷ đồng (chiếm gần 94%), đứng đầu cả nước. Thu hút vốn FDI đạt trên 2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Thành phố có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 191 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 35 xã so với mục tiêu của Chương trình số 04 của Thành ủy đến năm 2025; có 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 4 xã so với mục tiêu.
Những kết quả ấn tượng trên đã khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế của Hà Nội, thể hiện bản lĩnh và quyết tâm vượt khó của Thủ đô trong mọi hoàn cảnh.
Thu ngân sách đến hết ngày 31/12 trên địa bàn Thành phố Hà Nội dự kiến hơn 501.600 tỷ đồng – Thông tin từ hội nghị khóa sổ quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 với tinh thần mới, khí thế mới, vươn mình, trỗi dậy trên tất cả các mặt, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Năm 2024, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương có số thu lớn nhất toàn quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng thu ngân sách của cả nước; trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng khoảng 27%, lớn nhất cả nước.

Hà Nội là địa phương đầu tiên hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo (cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06) thành một, với phương châm “5 rõ, 1 xuyên suốt”.
Thành phố tiên phong thí điểm thành công nhiều tiện ích số cho người dân, như: hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, phổ cập ứng dụng tìm kiếm và thanh toán bãi đỗ xe không tiền mặt, ứng dụng cảnh báo cháy, Phở số Hà Thành,… Đặc biệt, ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi” đã tạo ra cầu nối, gắn kết chính quyền và người dân Thủ đô; thể hiện tinh thần chủ động tương tác của chính quyền Thành phố với người dân, lắng nghe người dân “mọi lúc, mọi nơi”.
Thành phố khai trương 02 Trung tâm: Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội với phương châm “3 phi" - Phi địa giới, Phi trung gian, Phi vật chất, tạo ra bước tiến mới trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; Trung tâm dữ liệu chính của Thành phố với nền tảng công nghệ hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô.
Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội tiếp tục cải thiện: vị trí xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố (tăng 3 năm liên tiếp từ 2021 đến nay - tăng 19 bậc); xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT; đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Đáng chú ý, theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023, Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử và tiếp tục dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đi vào hoạt động là một sự kiện quan trọng của thành phố Hà Nội trong nỗ lực hoàn thành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền số thành phố Hà Nội.
Hà Nội đưa vào ứng dụng công dân số Thủ đô iHanoi tạo cầu nối giữa chính quyền và người dân. Với hơn 16 triệu lượt truy cập và hàng triệu người dùng thường xuyên, iHanoi đã khẳng định vai trò là công cụ quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của Thủ đô.
Chuyên viên bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Sau hơn 2 năm ban hành Nghị quyết chuyên đề về Phát triển công nghiệp văn hóa và 5 năm chính thức là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ về tư duy đổi mới sáng tạo, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo động lực thúc đẩy niềm tin, khát vọng sáng tạo và sự tham gia tích cực của các nghệ nhân, văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng sáng tạo Thủ đô. Hà Nội hiện nay đang có sự phát triển đa dạng của các sản phẩm công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vựctạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai. Nhiều không gian sáng tạo ở các địa phương đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, chỉ trong hơn 3 năm gần đây đã có hơn 600 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức; “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội” thường niên,với các chủ đề “Khơi nguồn Sáng tạo” năm 2021, “Sáng tạo và công nghệ” năm 2022, “Dòng chảy” năm 2023. Năm 2024 Lễ hội với chủ đề “Giao lộ” đã được tổ chức tại 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá... thu hút sự tham gia tích cực của hơn 500 cơ quan, đơn vị, trường Đại học, doanh nghiệp, hơn 1.000 nhà sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng thành danh trong và ngoài nước. Trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn toàn Thành phố đã góp phần tăng trưởng tốt cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực du lịch văn hóa Thủ đô năm 2024. Số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023; trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,4% so với năm 2023, chiếm tỉ trọng tương đương mức 36,3% của cả nước. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng lớn, nổi bật như giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”; “Điểm đến Thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024” do Tổ chức World Travel Awards trao tặng; nằm trong nhóm “100 điểm đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới năm 2024” do trang nghiên cứu Euromonitor International bình chọn...
"Ngày hội Văn hoá vì hoà bình" nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhằm lan toả thông điệp về giá trị văn hoá, hoà bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Việc tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hằng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 có chủ đề Giao lộ sáng tạo, diễn ra từ ngày 9 đến 17/11. Lễ hội được thiết kế dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm hoạt động sáng tạo sôi nổi ở 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những nỗ lực của Ban Tổ chức, cộng đồng sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024. Các nội dung trưng bày, sự kiện, tọa đàm trong lễ hội góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút du khách đến Hà Nội.
‘Hà Nội Rock’ – chương trình chính luận nghệ thuật thu hút hơn một vạn khán giả tại trường đua F1 - Mỹ Đình truyền tải thông điệp rock cho ngày mới, cho những khát vọng vươn mình, cho những năng lượng tích cực được lan tỏa trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ, để sẵn sàng hành trang, tâm thế và trí tuệ cùng bước vào một giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn toàn Thành phố trong năm 2024 đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Năm 2024, Giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được nhiều kết quả toàn diện, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, các loại hình giáo dục. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển, đứng đầu cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 05 bậc so với năm 2023, là kết quả cao nhất trong 10 năm qua;nhiều thủ khoa là thí sinh Hà Nội. Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 184 học sinh đoạt giải. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học với 97,6% học sinh khối 1 đến khối 4 được tạo thành công Học bạ số (bằng hơn 2 lần mức trung bình của cả nước đạt 41%)...
Thành phố Hà Nội đã tạo việc làm mới cho 178,7 nghìn lao động, đạt 108,3% kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 2 triệu người, tăng 5,43% so với cùng kỳ năm 2023. Trên 203 nghìn đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Chi cho công tác ưu đãi người có công là 1.930 tỷ đồng. Điểm nổi bật là năm 2024, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, chỉ tiêu giảm nghèo về đích trước 01 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025; hoàn thành mục tiêu xoá 100% nhà ở xuống cấp. Thành phố cũng tiếp tục ủy thác hơn 9.500 tỷ đồng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 96 nghìn hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... và là địa phương dẫn đầu cả nước.
Thành phố đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục sản xuất nhanh chóng sau khi bão số 3-Yagi đi qua và hỗ trợ kịp thời các tỉnh bị ảnh hưởng do bão. Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã ra lời kêu gọi Nhân dân Thủ đô ủng hộ quỹ Cứu trợ hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Tổng số tiền đã tiếp nhận là 331,053 tỷ đồng. Đã kịp thời hỗ trợ Nhân dân Thủ đô và các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Ngành GD&ĐT Thủ đô vinh dự nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954 -2024).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.
Năm học 2023-2024, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Hà Nội đã hoàn thành các tuyến đường gắn với phát triển đô thị; Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024.
Hai công trình tiêu biểu trong nhiều công trình trọng điểm của Thành phố được gắn biển nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện đại nhất cả nước với nhà hát, rạp phim và các câu lạc bộ nghệ thuật có tổng diện tích gần 40.000 m2 khánh thành ngày 21/9/2024 và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu học tập vui chơi, thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu văn hóa của thiếu nhi Thủ đô. Bệnh viện nhi Hà Nội với quy mô giai đoạn 01 là 200 giường bệnh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9/10/2024, kỳ vọng giảm tải cho bệnh viện nhi Trung ương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhân dân Thủ đô, các tỉnh lân cận.
Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng trên khu đất gần 40.000 m2 tại công viên hồ điều hòa CV1, trong khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm.
Khởi công từ năm 2021, với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, Cung Thiếu nhi là dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2020-2025, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Bệnh viện Nhi Hà Nội là bệnh viện đa khoa chuyên ngành nhi đầu tiên của Thành phố Hà Nội với 24 chuyên khoa, mũi nhọn, chuyên sâu. Bệnh viện đi vào hoạt động đã khẳng định sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đề ra.

Chất lượng, trình độ và năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ HN - 24 với nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức, quy mô, thành phần (quy mô lớn nhất từ trước tới nay). Khẳng định năng lực quốc phòng, an ninh, năng lực sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống của Thủ đô.
Trật tự an toàn xã hội của Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực, tội phạm được kiềm chế, kéo giảm. An ninh quốc gia tiếp tục được giữ vững; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại trên địa bàn Thủ đô (trên 2.000 kỳ cuộc).
Đáng chú ý, trong năm 2024, Hà Nội được chọn là nơi tổ chức triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 - 22/12/2024. Triển lãm là hoạt động trọng điểm, tạo điểm nhấn mang ý nghĩa, tầm vóc quốc tế, sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thành phố Hà Nội tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, gọi tắt là HN-24. Đây là Cuộc diễn tập có quy mô, phạm vi lớn nhất từ trước đến nay của Thành phố.
Cuộc diễn tập diễn ra từ ngày 28/9 đến ngày 02/10/2024, tập trung vào 2 nội dung chính gồm, diễn tập phòng thủ dân sự và diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã huy động số lượng lớn lực lượng, phương tiện của các đơn vị đứng chân trên địa bàn Thành phố cùng tham gia diễn tập, tham gia thực binh bắn chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng với nhiều hình thức tác chiến, sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại.
Cuộc diễn tập thành công đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của các sở, ban, ngành, đoàn thể; trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang.

Diễn ra đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 có ý nghĩa đặc biệt, là sự kiện quốc tế nổi bật với thông điệp “Hòa bình, Hợp tác cùng phát triển”, góp phần thúc đẩy đối ngoại và hợp tác quốc phòng trên tất cả các lĩnh vực; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
T-90 được coi là một trong những dòng xe tăng có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới hiện nay, được trang bị trong lực lượng vũ trang của Việt Nam. Xe được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024.
Tổ hợp tên lửa đất đối hải "Made in Việt Nam" mang tên Trường Sơn nhận sự được quan tâm lớn tại khu vực trưng bày ngoài trời của Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.
Triển lãm có sự tham gia của 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia cho thấy uy tín, thương hiệu trong tổ chức triển lãm quốc phòng của Việt Nam. Đây cũng là một dấu mốc khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường 80 năm qua, khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng để tự lực, tự cường, tự vệ, lưỡng dụng, hiện đại.

Chỉ đạo nội dung: Nguyễn Kim Khiêm
Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Trung Sơn
Biên tập: Nguyễn Trung Sơn
Thiết kế: Hoàng Minh - Thanh Nga
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội